Rượu cụ TOM

Về Vân tìm mỹ tửu

         Đầu Xuân ngược hướng Bắc, chợt nhớ đến Vân hương – làng Vân, nơi nổi tiếng xưa nay về rượu. Làng cổ này còn giữ nhiều nét đẹp xưa, và đặc biệt làng ấy thờ Thành hoàng là một người đàn bà nấu rượu, để bây giờ rượu Vân nổi tiếng mỹ tửu Việt…

Cái làng Vân (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) ngỡ gần mà sao tôi đã đi gần hết nửa đời người bây giờ mới gặp, cho đến khi được đặt chân lên cái bến đò Thổ Hà để về Vân phải mất ba mươi năm…

Ba mươi năm ấy tôi đủ thời gian để uống rượu trăm miền. Từng “cơm hàng cháo chợ”, lê la bạn bầu  khắp xứ, tôi ngộ ra rằng không đâu có thứ rượu ấn tượng sâu đậm như Vân tửu xứ Kinh Bắc…

Ấn tượng nhất là năm 1992 khi từ Nam ra tôi đến thăm nhạc sĩ Văn Cao được ông đãi thứ rượu Vân đặc biệt. Bữa ấy mấy anh em chúng tôi  đến đường đột, bà Văn Cao bảo “Nhà đương có khách nước ngoài làm phim về ông nhà tôi”. Bà dặn chúng tôi  đợi.

Căn gác nơi ông ở bên dưới có cái chợ nhỏ, cạnh đó có quán cơm dễ chừng đã toạ lạc ở đấy vài mươi năm. Lát sau thấy đoàn làm phim Nhật xuống gác.

Văn Cao ngồi tựa vào cái ghế cũ tồi tàn đón chúng tôi bằng cái cười trong trẻo thân thương. Nghe tôi nói vừa từ miền Nam ra ông hỏi thăm những người quen biết trong Nam nào chị Lệ Thu, anh Thanh Thảo… Chợt ông nhắc đến Trịnh Công Sơn. Ông bảo: Trịnh Công Sơn vừa ở đây vào Sài Gòn mấy hôm trước.

Nói rồi ông lôi từ chân bàn nước lên cái chai trong vắt nút lá chuối khô. Đã nghe thơm phức cái mùi nồng nàn của nếp ủ trong men. Biết tôi ở Nam ra, đi tìm ông để thăm tác giả Quốc ca giữa lúc đương có cuộc vận động sáng tác quốc ca mới, ông mừng lắm, đoạn bảo: Có mười mấy tác giả kéo nhau đến nhà tôi chắp tay xin… thua.Họ đều bảo: Ông mới là tác… thật. Còn chúng tôi chỉ là… tác giả. Anh Hồng Đăng vừa đến đây cho biết Quốc hội đã “quyết” nhuận bút cho Quốc ca là 70 triệu…

Rượu trắng từ chai trên tay ông bắt đầu chảy ra chén. Gọi là chắt rượu thì đúng hơn, nhìn cái cách ra rượu mời khách của Văn Cao, biết là người sành sỏi, như thể ông là môn đồ của “tửu đạo”.

Cái chén nhỏ nhưng ông chỉ dám rót nửa chừng. Văn Cao bảo đây là rượu Vân thứ thiệt đấy. Anh em thửa mang về cho. Uống cái này được lắm. Lần trước ông Thái Bá Vân với ông Nguyễn Trọng Huấn từ Sài Gòn ra thích cái này hơn…

Tôi nâng chén ngang mày, đưa lên mũi. Một làn hương nhè nhẹ xông lên, đem đến một cảm giác lâng lâng. Bức ảnh Văn Cao tay nâng ly rượu trắng kề môi, tôi chụp bây giờ vẫn được bà Thuý Băng phu nhân nhạc sĩ cất giữ.

Mùi rượu Vân cùng cái cảm giác gần gũi thân tình của người nghệ sĩ tài danh làm tôi có ấn tượng mạnh về Vân thôn từ đấy.

Vậy là ba mươi năm tôi mới được đến làng Vân, một chốn Tổ nghề nấu rượu đất Việt. Đây rồi con sông Cầu lơ thơ chảy qua hai tỉnh, đâu bến xưa Như Nguyệt vang câu thơ Thần?

Từ ngoài bờ sông, khi qua con phà nhỏ đặt chân lên đất Thổ Hà đã nghe mùi hèm cất lên từ phía làng Vân. Cái tật (hay là cái tài) của anh hay rượu là vậy. Ngửi thấy mùi hèm, biết làng ấy có người nấu rượu. Mùi hèm chua chua, khê khê thì biết ngay có mẻ rượu hỏng.

Làng Vân đang dựng lại đình làng trên nền đất cũ để thờ Thành hoàng làng là người đàn bà đem nghề nấu rượu về Vân hương… Tôi bảo với ông Trưởng ban xây dựng đình làng Nguyễn Đức Quang rằng: Phục dựng đình làng Vân, hãy thêm “hạng mục” cái nậm rượu trên nóc đình hoặc đặt chỗ ban thờ thành hoàng làng…

Lão trưởng thôn nghe ra à lên một tiếng. Có vẻ lão âm ỉ sướng với cái ý tưởng ấy của tôi.

Ông Quang khoe làng Vân hơi bị cổ đấy. Bằng chứng là không đâu một làng mà có tới gần chục di tích đền, đình, chùa, miếu như Vân hương. Làng có cả Văn chỉ…

Ngồi trong Đền chính giữa làng, ông Nguyễn Đức Sơn vị thủ nhang ở đây bảo: “Làng Vân còn giữ đầy đủ nét đẹp xưa trong tổ chức việc làng. Anh xem phục dựng đình làng, cả làng nhà nào cũng tự nguyện cử người đóng góp công sức. Rồi cử người trông nom di tích đình chùa miếu mạo, nghĩa vụ hương khói quanh năm. Bao nhiêu việc làng xưa gắn với phong tục nay vẫn giữ… Ai cũng thành kính nhận việc như một nghĩa vụ và vinh dự làng trao…”.

Chuyện kể rằng, nếu Vân hương không có mỹ tửu, chắc gì cụ Đề Thám đã qua lại nơi này để sau đó, cụ có thêm bà Ba họ Vũ ở Vân thôn… Làng Vân tự hào là quê vợ ba Hoàng Hoa Thám.

Còn đây những câu chuyện liên quan đến người thủ lĩnh khởi nghĩa Yên Thế lẫy lừng và mối tình với người con gái đất Vân hương.

Thử rượu bằng tai

Vòng vèo mãi rồi cũng đến nhà cụ Tom. Cụ nổi danh về thứ rượu nếp cái hoa vàng mà tao nhân mặc khách từ Nam ra Bắc ngợi ca. Toà ngang dãy dọc dành phần lớn cho… lò rượu.

                                          Nhà thơ Nguyễn Duy, KTS Nguyễn Trọng Huấn với cụ Tom

Cụ Tom năm nay chín tư tuổi. Cụ bảo: Tôi bắt đầu biết nấu rượu từ hồi 13, 14 tuổi. Lấy ông nhà tôi về đây đã bảy mươi năm.

Tôi ngồi ngắm bà cụ Kinh bắc chầm chậm chuyện đời, chuyện rượu mà thán phục cái đức trọng nghề, giữ nghề của cụ. Cả làng nhà nào chả biết nấu rượu, vậy mà đâu mấy nhà có rượu ngon?

Bí quyết làng nghề, đành rồi, nhưng mỗi nhà lại có cái bí mật của riêng mình. Cái công thức làm men mới là tối quan trọng. Rồi thì thì gia giảm thời gian ủ gạo lên men, gia giảm củi lửa… để có được thứ rượu quý.

Nguyễn Trung Ca, người con út của cụ khoe đang có thứ rượu độc nhất vô nhị: Rượu hấp cúc. Ca mời tôi chén nhỏ và dè xẻn không khác gì… nước thánh. Cái cảm giác tê lạnh đầu lưỡi rồi hương cúc xa xăm, rồi ngất ngây hương nếp… Ca bảo: Quý lắm, chả làm được nhiều nên càng quý.

Lần đầu tiên tôi được nghe kể chuyện về cụ già mù thử rượu bằng… tai. Rượu được “gieo” xuống cái bát và tiếng bọt rượu réo nhẹ nhàng reo vào tai người nghệ nhân. Bậc thầy nấu rượu chỉ cần nghe tiếng bọt biết nồng độ của rượu bao nhiêu. Mà hàng nghệ nhân làng rượu chỉ có vài người.

Tôi ngờ rằng trong cái chữ “mỹ” để nói về rượu không chỉ hàm chứa cái đẹp mà còn có cái sắc, cái hương, cái đạo trong ấy, bởi rượu là tinh hoa trời đất, lại liên quan đến hành vi con người khi chưng cất, khi mua bán, khi tặng cho nhau và cả lễ nghĩa văn hóa khi thưởng rượu.

Mùi ruộng đồng, mùi thơm thảo của trời đất và mùi mồ hôi người kết tụ trong cái hương cái vị ấy là rượu Vân. Chao ôi! Tôi chưa từng nghe đâu có cái nghệ thuật đến độ “siêu” như vậy. Cái tai thẩm rượu ấy, nói cho cùng, đã đạt đến độ phi phàm mất rồi.

Tửu đồ quỳ

Đương dở câu chuyện đi tìm mỹ tửu Vân thôn, bỗng tôi thấy trên tường nhà cụ Tom có bức ảnh lạ. Bức ảnh chụp một người đàn ông ăn vận sang trọng đang quỳ phủ phục dưới chân một bà cụ nông dân.

Tôi xin phép được ngắm ảnh. Bỗng đâu tôi giật mình vì người trong ảnh là một người quen, lại là một tửu đồ có hạng người xứ Huế nhưng giờ đương sống ở thành phố Hồ Chí Minh.


                                                          KTS Nguyễn Trọng Huấn lạy cụ Tom
Anh Nguyễn Trung Ca khoe: Người quỳ lạy mẹ tôi là kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn. Anh Ca kể: Lần ấy trên đường thiên lý đi tìm mỹ tửu, đoàn đã ghé vào nhà tôi. Khi bà cụ tôi bước ra thì cũng là lúc ông Nguyễn Trọng Huấn quỳ xuống vái lạy…

Ông ấy bảo từ thành phố Hồ Chí Minh từng được uống loại “Rượu ngon nhất nước” do chính cụ gửi vào cho ông Nguyễn Trung Tuấn người con trai cả bán.

Khi đến nhà cụ Tom, ước nguyện lớn nhất, và là mục đích của các ông là gặp được bà cụ và để xin bái cụ, để ghi tạc cái công của người làm ra thứ tiên tửu quý hơn vạn lần rượu Tây hay Mao Đài uống chả vào mà mỗi chai có giá bằng hàng tấn thóc…

Câu chuyện bên chai rượu Vân tăm sủi vừa đủ thấy cái reo vui của thứ nước ngàn năm làm thăng hoa hồn người, làm rôm rả câu chuyện, làm ấm áp nhân gian.

“Phi tửu bất thành lễ” Vâng! Nhưng cũng có thể nói rượu chính là một thứ “lễ”. Uống rượu được nâng lên thành lễ – một thứ nghi thức giao tiếp của nền văn minh.

Nhớ lần tại Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Vân Hồ, Hà Nội, tôi được nếm thử một loại rượu có xuất xứ từ đất Tổ Hùng Vương có tên là Vương tửu. Ngờ ngợ về cái hương cái vị của thứ rượu đất Phong Châu ấy, nhưng tôi chưa dám chắc nó có liên quan gì với  rượu Vân.

Thời gian trôi đi, câu chuyện Vương tửu tôi cũng biết thế. Nhưng hôm về Vân thôn, bí ấn của Vương tửu đã được mở. Thì ra cái ông đầu râu tóc bạc có ảnh đính bên bình Vương tửu đem trưng bày ở Vân Hồ dạo trước chính là ông Nguyễn Trung Tom – con trai cụ Tom.

Từ hôm ấy trong tôi, cụ Tom nổi tiếng hơn vẫn tưởng lâu nay. Cụ đã có người kế nghiệp, lại còn mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài. Cụ Tom đặt ba địa chỉ nấu và bán thứ rượu mang thương hiệu “cụ Tom” ở ba nơi quan trọng về lịch sử văn hoá, đó là vùng Kinh Bắc, đất Tổ Phong Châu và thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc tửu

Mỹ tửu như gái đẹp. Mỗi xứ một gu, một sở trường sở đoản nhưng hoa hậu thì chỉ có một. Chọn rượu nào cho quốc tửu nay mai? Tôi đồ rằng dễ phần nhiều tửu đồ sẽ bỏ phiếu cho rượu Vân.

Trong cuộc đời nhiều xê dịch của mình, tôi đã từng được uống rượu Gò Đen ở Nam Bộ; uống rượu Bàu Đá Bình Định để nghe cái chất “võ” bên trong; ngồi nhậu cùng bạn bè đất nghèo Quảng Trị có thứ rượu Kim Long ngon nổi tiếng ba kỳ; rồi lọ mọ lên Tây Bắc, Việt Bắc, uống rượu San Lùng tận Bát Xát – Lao Cai; rồi về Bắc Hà thưởng thức rượu ngô giữa chợ với món thắng cố nấu lòng ngựa đầu ngựa trong cái chảo to mùi nồng nặc cả một phía gió…

Chưa hết, từng lên Đoài xuống Đông mấy tỉnh xứ Bắc có rượu ngon bạn hiền… Có thứ thoang thoảng hương đồng gió nội, uống vào cứ như không, mà mềm lòng. Có thứ tăm mịn như sương bay trong chai nhưng thiếu cái duyên khó giữ người ta lại.

Có thứ rượu ngon lắm nhưng uống vào nó như đuổi người ta đi bởi cái đanh, cái “đoản”, bởi nó thiếu một chút gì nồng nàn da diết…

Mỹ tửu như gái đẹp. Mỗi xứ một gu một sở trường sở đoản nhưng hoa hậu thì chỉ có một. Chọn rượu nào cho quốc tửu nay mai? Tôi đồ rằng dễ nhiều phần tửu đồ sẽ bỏ phiếu cho rượu Vân.

Có lần ngồi với ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch bàn chuyện quốc tửu, ông Thắng bảo nước mình có lắm thứ rượu ngon tuyệt mà sao chả chọn lấy một vài thương hiệu để làm rượu đãi bạn bè quốc tế rồi có thể khoe mỹ tửu nước mình. Và ý tưởng tuyển chọn Câu đối Hoa và Rượu hàng năm được Bộ Văn hóa Thông tin (thời đó) khởi xướng.

Nhưng làng Vân cũng chỉ chọn vài ba lò rượu đi thi “hoa hậu mỹ tửu” mà thôi. Ô hay! Cái nghề bị cho là “lậu” xưa, nay bỗng một ngày thành di sản văn hoá.

Nếu mai này bầu chọn cho mỹ tửu quốc gia, ban giám khảo hãy về Vân thôn lấy một lần rồi mời thêm thi sĩ Nguyễn Duy, KTS Nguyễn Trọng Huấn nữa để bỏ phiếu chung kết.

Nguyễn Duy gọi cho tôi bảo: “Chúng tớ đã đi tìm rượu ngon khắp nước. Không chỉ Tứ đại danh tửu đâu, Bát đại cơ…”. Nhà nước nên phong cho cụ Tom cái danh nghệ nhân, đỡ tủi người uống rượu.

“Ngày nay lắm người uống rượu công nghiệp. Tội cho tửu đồ lắm!” KTS Nguyễn Trọng Huấn nhắn tôi bảo thế.

Rời Vân thôn chiều hanh hao cuối năm, tôi mang theo câu chuyện vui về mỹ tục Vân hương trong gìn giữ nếp làng, cả cái mùi hèm rượu Vân váng vất, cả khi đã qua phà sang đến đất Bắc Ninh.

Theo Tân Linh báo Tiền Phong ngày 18/02/2010

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *