Rượu cụ TOM

Rượu làng Vân

Có một trạng thái tâm hồn mà một bộ phận nhân loại cố tránh không đụng đến, đấy là nỗi buồn. Người ta biết nó có nhưng tránh không nói đến vì ngại rằng nỗi buồn sẽ kéo theo nó những sức mạnh tác hại khác của tâm hồn mà người ta không kiểm soát nổi. Giống như trong khoa khảo cổ học ngày nay, có những mục tiêu mà người ta không dám đào bới, vì ngại rằng những phương pháp hiện có sẽ không đủ sức để bảo quản nhiều thứ cổ vật một khi khai quật lên. Thảng hoặc, người ta tin rằng có thể huy động để thay thế vào đó những sức mạnh có phẩm chất khác của tâm hồn, ví dụ như lý trí, khoa học… ấy là thời kỳ cổ điển của lịch sử tư tưởng nhân loại.
Đến một thời kỳ, người ta khước từ những biện pháp phòng ngự nói trên và cố gắng tấn công vào nỗi buồn. Đó chính là chủ nghĩa lãng mạn. Người ta coi nỗi buồn là một thứ thành lũy không phá nổi một đạo quân trùng điệp vây phủ tâm hồn; thậm chí người ta đem nỗi buồn ra làm cái bẫy để đánh đố nhau:

“Hành nhân hạ xứ tận tiêu hồn?
Lâu thượng hoàng hôn
Mã thượng hoàng hôn
Tạm dịch:
Ở nơi đâu người lữ hành thấy buồn đứt ruột?
Hoàng hôn trên lầu
Hoàng hôn trên ngựa”

Cuối cùng thì người ta cũng tìm ra vũ khí thích hợp để tấn công, ấy là rượu. Dục phá sầu thành tu dụng tửu, dịch nghĩa là: Muốn phá thần sầu, nên dùng rượu
Còn con người thất bại Cao Bá Quát thì nghe nói đã đề trên bình rượu độc ẩm của ông một câu hỏi: Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu? (nghĩa là: cùng với mày, ta tiêu tán nỗi buồn ngàn năm).
Tôi đã tham dự những cuộc rượu bè bạn ở những bản thượng Trường Sơn. Ở đó, có lúc cả bốn bàn tay thi nhau nâng lấy bát rượu bị từ chối và tôi tự hỏi: Cuộc giao lưu nào đã đem đến cho họ một cử chỉ đẹp đến như thế ?
Tôi không cổ vũ cho sự uống rượu, nhưng cũng không chủ trương lấy nước lã thay rượu khi có bạn đến chơi nhà. Vấn đề là nhận thức cho đúng cái ngưỡng của sự vật: thái quá hay bất cập đều là phi – văn hóa. Văn hóa, đó chính là cái ngưỡng của sự vật.
Tôi không khuyến khích sự uống rượu, nhưng tôi cũng không muốn bỏ lỡ một cơ hội nào của sự giao lưu. Huống chi lần này có người quen của Thái Bá Vân, bạn thân của tôi lên Hà Nội mời; và mời đến một ngôi làng danh tiếng gọi là làng Vân.
Rượu làng Vân rất nổi tiếng, và hình như bay khắp một dải lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi xuống một chiếc thuyền, và để khỏi bị lầy lội, tôi tháo cả giày ra xách tay. Nào ngờ, khi tôi tháo giày xong vừa ngẩng lên thì con thuyền đã đến chân thềm của một ngôi nhà.
Làng Vân bị vây bọc quanh bởi nhiều con sông; và tôi nghĩ rằng đấy là một thế đất cần thiết cho sự giữ bí quyết, bởi vì cho đến nay, chưa ai bắt chước được rượu làng Vân cả. Một đoàn những cụ già y phục dáng lễ hội đứng chờ chúng tôi, vẽ thành một hàng dài vui mắt ngay trên nền chiếu hoa trải thành hai hàng trên thềm nhà; trên đó bày đủ các thức ăn để nguội chừng đã lâu do chúng tôi đến trễ. Chúng tôi rủ nhau ngồi xuống chiếu trước những chai rượu Vân trong suốt. Một người nhà bưng ra những chiếc mâm đồng vàng ánh như còn mới, trên đó có chạm hoa văn nhỏ bằng đầu kim găm, lấm chấm phủ kín cả mặt đồng. Trong mỗi mâm có một cụ già bê từng món thức ăn đặt lên mâm đồng và hạ thấp ngọn măng sông xuống (bây giờ tôi mới để ý rằng căn nhà được thắp sáng bằng đèn măng sông). Bóng tối trở nên đậm đặc hơn, và tôi không biết chủ nhà đang bày ra trò vui nào đây. Cụ già quay lại lấy một chai rượu Vân chừng một lít đổ đầy mặt đồng và châm lửa, hóa ra đó là một cách hâm thức ăn. Khoảng một tiếng, ánh lửa bốc thành ngọn đồng loạt trên những chiếc mâm đồng; ngọn lửa len lỏi qua những bát thức ăn vẽ thành những lượn sóng màu xanh biếc trên mặt thực khách. Đã lâu rồi nhưng tôi không thể nào quên bữa tiệc hôm ấy ở làng Vân, với những vết sáng xanh biếc đầy bí ẩn nhảy múa trên gương mặt của những thực khách ngồi chìm trong bóng tối; trông nó giống như một cuộc tiệc của một bộ lạc bán khai nào đó trong ánh lửa rừng trong đêm thẳm của lịch sử nhân loại. Cảm giác đằm thắm ấy kéo dài trong khoảnh khắc. Và trong không gian mà nó tạo dựng lên, tôi nghe tỏa lan một giai điệu quan họ, và “người ở đừng về” đã nói với tôi một điều gì đó, giống như một điều nguồn cội thuộc văn hóa dân tộc. Mãi cho đến lúc ánh đèn bừng sáng lên gương mặt của mọi người. Tôi ngoảnh lại nhìn. Họ đến từ bao giờ mà đông thế, những người lớn tuổi ngồi dựa tường, dựa cột im như tượng, như thể là lần đầu họ được nghe. Được nghe hát quan họ. Và những người trẻ thì hát, như thể là lần đầu tiên họ biết trao duyên với cuộc đời. Tôi tiêm nhiễm “Văn hóa làng Vân” từ dạo ấy. Sao lại có một kiểu dân cư trong sáng và vui đến vậy?! Vâng, tôi đã từng về thăm vùng quê quan họ này, dự lễ hội “đón bạn” của những người quan họ. Cảm giác đầu xuân tràn ngập cả tâm hồn tôi, lúc buổi sáng, tôi từ “nhà khách” mang thau ra giếng rửa mặt. Bỗng nhiên, từ một ngôi nhà hai tầng ở giữa đồng lúa, một đàn con gái cũng thong thả kéo ra giếng. Họ ồn ào, bạo dạn và cô nào cô ấy trông đẹp như tranh tố nữ; nghĩa là họ đẹp theo cách “con mắt lá răm, lông mày lá liễu mũi giọt mật, mặt trái xoan, cằm trái xoan, cổ cao ba ngấn, thắt đáy lưng ong”… Tôi hỏi:
– Có phải đêm qua các cô vừa hát quan họ đón bạn ngày xuân đó chăng?
– Không!
Chúng em là cán bộ trường Công đoàn Hà Bắc đấy chứ! – Một cô đáp.
Gớm! Con gái vùng Tiên Du, Tiên Sơn này đẹp thực, cán bộ công đoàn mà mình cứ tưởng như đội văn công quan họ! “Người ơi, người ở đừng về…” Vâng, vâng trong bấy nhiêu năm, tôi đã canh cánh bên lòng cảm giác trĩu nặng về cái đêm quan họ ấy: từ một cánh rừng miền Nam tôi đã về đây, và câu hát làm tôi muốn về thêm một lần nữa…

Tản mạn văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường
Hà Nội, ngày 5-12-1999 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *