Rượu cụ TOM

Người giữ lửa hồn rượu làng Vân

Cụ Tom người giữ lửa hồn rượu làng Vân

 Nhà văn Triệu Xuân thăm Cụ Tom, tháng 8-2010.

Làng Vân nằm ở phía bờ bắc Sông Cầu, nơi tận cùng của cánh đồng cao vùng trung du. Làng Vân có hai phía: Phía ven sông, những dặng tre rủ bóng xuống dòng sông, xuân, hạ, thu, đông; nhiều khi những cành tre xum xuê dập duyềnh ngay trên mặt nước. Phía nhìn ra cánh đồng là những chân ruộng hai vụ, những dải dâu xanh ngắt và mờ dần ở dặng núi xa đó là Mỏ Thổ, núi Voi. Khi nói đến sông Cầu, người ta thường nhớ đến câu thơ: “Sông Cầu nước chảy lơ thơ”. Đấy là lời và cũng là đầu đề của một bài dân ca quan họ Bắc Ninh. Gần đây, tôi mới biết tác giả của bài dân ca quan họ ấy là một nghệ nhân quan họ ở làng Khúc Toại, Khúc Xuyên, Bắc Ninh.

Nhà văn Triệu Xuân với bình rượu Cụ Tom.

Làng Vân là một làng cổ, đồng thời là một làng nghề truyền thống, chuyên nấu rượu. Làng Vân hợp với Thổ Hà thành xã Vân Hà – dòng sông mây. Những buổi sáng cuối thu, đầu đông, bầu trời nhờ nhờ, sương phủ hững hờ lên những hàng tre, những con thuyền trên mặt nước thì sông Cầu đúng là dòng sông mây. Ở Việt Nam chưa có sông nào gọi là sông mây, mà chỉ có một con sông được gọi là Vân Sàng – chiếc giường mây – ở Ninh Bình. Nghe nói, vua Lê Hoàn và hoàng hậu Dương Vân Nga sau khi phá tan quân Tống đã hưởng tuần trăng mật trên con sông đó.

Làng Thổ Hà có nghề đào đất làm chum, vại và tiểu sành. Khi đất làng hết, phải đến những nơi xa khai thác, những chiếc thuyền chở đất cao lùm lùm về đầy sông, tạo nên cho Thổ Hà cái tên dòng sông đất. Hồi xưa, khi làng Vân nấu rượu, làng Thổ Hà nghĩ ngay việc làm những cái chĩnh, cái vò, cái hũ nho nhỏ đựng rượu bán cho dân Làng Vân.

Ngoài ra, xã Vân Hà còn có một làng nữa là Nguyệt Đức. Dân làng này quanh năm suốt tháng sống ở trên thuyền và chết cũng ở trên thuyền. Người chết nếu chôn ở dưới nước, gọi là thủy táng. Họ buộc chặt người chết bằng chăn, chiếu, cột vào một tảng đá ngầm hoặc một rễ cây to ăn sâu xuống mép sông. Và đành để cho loài động vật thủy khấu rỉa hết thể xác của người thân. Cũng có gia đình đưa thi hài người chết gác lên chạc cây cổ thụ ở trong rừng, mặc cho quạ, diều hâu mở những bữa tiệc tưng bừng trên xác của những người chết. Đó là phong táng, hoặc thiên táng. Chỉ những nhà có tiền mới mua nổi vài mét đất ở trên bờ để chôn thi hài người chết, đó là địa táng.

Làng Nguyệt Đức chỉ xuất hiện ở trên sông vào Tết Nguyên Đán. Dịp đó các thuyền từ chín hướng, mười phương tụ về đây gặp nhau, thăm hỏi anh em, họ hàng, rồi lại chia xa. Khi Làng Vân khởi nghiệp, dân Nguyệt Đức là những người đóng thuyền, chở rượu Làng Vân đến nơi chân trời góc biển. Đối diện với Làng Vân, phía bên kia sông là làng Đại lâm, Đồng Bún chuyên nghề hàng xay, hàng xáo, họ dành những loại gạo ngon bán cho Làng Vân ăn và nấu rượu. Vô hình chung, Thổ Hà, Nguyệt Đức, Đại Lâm, Đồng Bún đều là những mắt xích trong quy trình nấu rượu của Làng Vân. Các làng chỉ cách một dòng sông, một cánh đồng. Nhưng về mặt địa dư, Làng Vân, Thổ Hà, Nguyệt Đức thuộc tỉnh Bắc Giang, làng Đại Lâm, Đồng Bún thuộc Bắc Ninh.

Trong các sách viết về Làng Vân Thổ Hà, có một sự thật chưa tác giả nào nêu lên là hồi cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, Bắc Giang có bốn mươi nhà tư sản thì xã Vân Hà “vinh dự” có hai mươi tư gia đình có tên. Con số này đã nói lên tầm cỡ kinh doanh của người đất vùng này.

Làng Vân có một loại rượu ngon nổi tiếng. Những người già kể rằng, rượu Làng Vân có từ dăm trăm năm nay. Chứng cớ là khi làng Thổ Hà xây đình xong, Làng Vân đã tặng Thổ Hà mười chum rượu để cúng thành hoàng và khao cả làng, rượu tràn trề khắp làng xóm, người say, cả gia súc cũng say, chó nhìn thấy khách cứ đi lảo đà, lảo đảo không sủa nổi, lợn ngủ khì ở góc sân suốt ngày không buồn kêu. Mà đình Thổ Hà được xác định khi xếp hạng là xây dựng từ đời Hậu Lê.

Ở vùng Kinh Bắc, rượu Làng Vân đã từng có mặt ở các kỳ giỗ, chạp, hiếu, hỉ. Sính lễ của nhà trai đem đến nhà cô dâu không thể thiếu rượu Làng Vân. Đám khao, đám cưới, đám ma phải mua bằng được rượu Làng Vân để khỏi bị chê cười. Cả khi cải táng người ta cũng dùng rượu Làng Vân rẩy lên nắm xương tàn, trước khi đắp lại nắp tiểu thiên thu. Rượu Làng Vân rất gần gũi với những tao nhân, mặc khách, những thầy đồ ưa ngâm vịnh, những ông quan bất đắc chí, những con người lẻ bóng, cô đơn. Nó đưa người ta vào một thế giới mơ hồ huyễn hoặc để tìm một cái gì đó mông lung, xa vời. Tất nhiên, rượu Làng Vân cũng đến với những người vận may, những ông quan đắc thế, những ông cống, ông nghè. Tôi ngờ rằng, bài ca dao: “Em là con gái đồng trinh/ Em đi bán rượu qua dinh ông nghè/ Ông nghè cho lính ra ve/ Trăm lạy ông nghè em đã có con/ Có con thì mặc có con/ Thắt lưng cho ròn mà lấy chồng quan” là xuất hiện ở vùng Kinh Bắc. Bởi vì xứ này có “một bè ông cống, một đống ông nghè….”, nổi tiếng là nhiều trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ… nhất nước. Ông quan ở đây là ông quan si tình và cô gái bán rượu là cô gái làng Vân, vì “chẳng thơm cũng thể hoa nhài, chẳng xinh cũng thể là người làng Vân”.

Rượu làng Vân cứ như thế mà đánh bạt các thứ rượu Quan Đình, Văn Môn ở các huyện Yên Phong, Từ Sơn mà truyền sang khắp xứ Đông, xứ Đoài, xứ Thanh, xứ Nghệ và Nam tiến ngày một xa. Thế rồi, tình cờ và cũng là điều tất yếu, rượu làng Vân đã được dâng lên nhà vua. Ngay sau đó, nó đã được vua sắc phong là “Vân Hương Mỹ Tửu” – rượu ngon làng Vân. Từ một loại rượu của làng quê Kinh Bắc, rượu làng Vân đã trở thành quốc tửu, hẳn là một vinh dự lớn lao cho những người đã sản sinh ra nó mà chưa một loại rượu nào trong lịch sử nước ta nhận được. Sách Dư Địa Chí tỉnh Bắc Giang ghi lại rằng, năm Chính Hòa thứ 24 (1703) thành hoàng của Làng Vân được vua Lê phong là thượng đẳng thần. Một đoàn bô lão Làng Vân về Kinh Đô rước sắc, đem theo ba bình rượu tiến vua. Nhà vua cùng triều thần uống thử, thấy rượu thơm ngon lạ lùng, sắc phong ngay là Vân Hương Mỹ Tửu.

Hiển nhiên với thương hiệu như vậy, rượu làng Vân đã được tỏa mùi thơm thao thiết thanh cao của nó trong yến tiệc của các cung vua phủ chúa, trong những buổi đàm đạo với các quan hoặc thù tạc với sứ thần các nước.

Thời thuộc Pháp, hãng rượu độc quyền Phôngten đã dùng rượu làng Vân làm cốt để pha chế cho các loại rượu của họ. Hãng Phôngten đã xây một pilốt chứa rượu ở ngay rìa làng để từ đó hàng tuần đưa lên tàu thủy xuôi dòng sông Cầu về nhà máy rượu Hà Nội.

Thời kỳ Moskva còn là thành trì của hòa bình thế giới, hiếm có người nào sang Liên Xô lao động, học tập, lại không đem theo vài lít rượu làng Vân đựng trong vỏ chai “Lúa mới”. Ở bên đó, vào những ngày tuyết bay trắng trời, trắng đất, ngồi uống rượu làng Vân với các bạn người Nga, rộn lên tình cảm thiết tha với quê hương, khi các bạn nước ngoài ca ngợi rượu làng Vân, nó êm dịu, mềm môi hơn hẳn Vốtca Nga

Hồi xưa, ở làng Vân hầu như nhà nào cũng biết nấu rượu, cha truyền con nối để tạo nên một thứ rượu lừng danh. Tôi chưa được biết nhận xét của nhà vua về “Vân Hương Mỹ Tửu”. Nhưng tôi đã được nghe một nhà thơ Việt Nam nói rằng: “Rượu làng Vân thật kỳ lạ, rượu trong như nước mắt trẻ thơ, rượu làng Vân có lửa, ấm lòng, ấm dạ làm cho người ta làm việc có khí thế. Rượu làng Vân có hồn. Nó tạo cho con người một cảm giác lâng lâng, ngây ngất, thăng hoa khiến người ta tưởng mình đang ở chốn bồng lai, tiên cảnh, đang muốn vươn tới, chiếm hữu những điều gì đó không có thực ở cuộc đời này, làm cho ta quên đi những đêm dài cô quạnh, những nỗi đau tâm tưởng”. Ngồi trước bạn bè, nhà thơ bảo mọi người: “Cứ uống, đừng sợ say, nếu có say rượu làng Vân là say tính, say tình, say mơ màng, say mà tỉnh, tỉnh rồi lại muốn say, say thơ, say đàn, say quan họ, cái say của kẻ đa tình, quân tử, tao nhã, không phải là say cuồng, say dại, xiêu đình, đổ quán, tan nhà, nát cửa”. Thú thật, tôi không biết uống rượu, tôi bị trời phạt không cho biết cái khoái lạc của uống rượu, tôi là loại “nam vô tửu như cờ vô phong”, không thể “hữu tửu lâm trận như hổ”, tôi vẫn bị vợ chê là “vô tích sự”, vì “vô tửu lâm trận như miu”, đây là một nỗi hận của tôi và vì thế, dĩ nhiên, tôi chưa một lần say rượu, tuy rất muốn say, cho nên tôi không hiểu hết những bình luận của nhà thơ kia. Nhưng vì yêu mến rượu làng Vân, tôi xin dẫn lời nhà văn Nguyên Hồng nói về thứ rượu này khi tôi được mời nhà văn rượu làng Vân. Hồi đó, vợ tôi dạy học ở trường cấp 3 Hàn Thuyên, Bắc Ninh, cùng với chị Đạo, con dâu nhà văn. Chồng chị Đạo là anh Hà giảng viên Tiếng Anh ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mỗi lần từ Cầu Đen, Nhã Nam về Hà Nội họp, nhà văn thường đi chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô mà bạn bè gọi là xe “con vịt” vì nó thấp, nhỏ. Ông rẽ vào khu tập thể trường Hàn Thuyên thăm cháu nội. Uống vài chén rượu, nhà văn nói: “Rượu là tinh chất của gạo, là tinh hoa của đất trời. Tôi uống rượu tỉnh người ra, hết mệt mỏi, quên sự đời. Rượu là nghệ thuật, là văn hoá”. Câu nói của nhà văn đa nghĩa, thâm thuý, tôi ghi nhớ mãi.

Chiếc quạt của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có số phận, nó bị vợ quan trạng xé tan khi ông chậm trễ đi ăn cỗ, uống rượu. Rượu làng Vân có số phận hay không, tôi không dám khẳng định, nhưng nó có nhiều lận đận. Khi nhà cầm quyền thực dân Pháp cho hãng Phôngten độc quyền sản xuất, kinh doanh rượu, nhiều gia đình ở làng Vân đã khuynh gia bại sản. Rượu làng Vân bị cấm đoán, trở thành rượu lậu, tình trạng này kéo dài đến khi quân Pháp thua trận, phải đầu hàng ở mặt trận Điện Biên Phủ. Năm 1954, sau khi hoa bình lập lại, rượu làng Vân lên ngôi với khí thế mới.

Thời kỳ bao cấp, thực hiện quản lý lương thực chặt chẽ, rượu làng Vân bị cấm, rượu ở các nơi khác cũng bị cấm, vì nấu bằng gạo, vi phạm chính sách lương thực. Tuy nhiên, người làng Vân vẫn nấu rượu, không nấu rượu chỉ còn cách chết đói. Khi cán bộ thuế đi kiểm tra, họ tắt lửa, dấu đồ nghề, phi tang tất cả để khỏi bị tịch thu. Cán bộ thuế đi khỏi, họ lại nấu. Họ đành chơi trò ú tim với chính quyền. Nhưng đem đi bán họ phải luồn lách, dấu diếm chui lủi. Thế là rượu làng Vân từ quốc tửu trở thành “quốc lủi”.

Trong cái khó, ló cái khôn, người làng Vân đã nghĩ ra cách nấu rượu bằng sắn (khoai mì). Có thể coi đây là một “phát minh” có ý nghĩa về mặt kỹ thuật và kinh tế. Đáng nhẽ phát minh này phải do một nhà khoa học nào đó tìm ra thì mới phải.

Rượu sắn đã giúp người làng Vân sống được. Rượu sắn tràn ngập thị trường, người ta ngất ngưởng với nó, nhưng không biết là rượu sắn ẩn chứa bao điều bất an. Thứ rượu “Vân Hương Mỹ Tửu” trong như mắt trẻ thơ, có lửa và có hồn, là tinh hoa của lúa gạo, tinh tuý của đất trời dường như đi vào lãng quên. Ở khắp nơi người ta lên án: “Uống rượu như uống máu đồng bào”, “uống rượu là phạm pháp”, “nấu rượu là phản động”… Nhưng vẫn có một người âm thầm nấu, đó là cụ Tom người làng Vân, cụ bị liệt vào loại không chấp hành chính sách. Điều ấy đã ảnh hưởng đến anh Tuấn, con trai của cụ đang trong quân đội. Anh bị chậm vào Đảng, thăng quân hàm, chậm tiến trong công việc chuyên môn.

Mùa xuân năm nay, tôi có dịp vào Sài Gòn, ngủ lại nhà vợ chồng anh Tuấn, thân nhau cách đây hơn ba mươi năm. Hôm ấy, anh Tuấn, mở một bữa liên hoan thân mật, những người tham gia đều là những thi tiên, thi tửu, ẩm giả có hạng, sành sỏi về rượu. Họ đã làm một chuyến đi dài ngày từ mũi Cà Mau đến Hà Giang, Lạng Sơn nghiên cứu về ẩm thực Việt Nam, họ tìm đến cả quê hương của rượu San Lùng, Mai Quế Lộ, rượu rắn, rượu Bàu Đá, Long Đế… họ gọi đó là ẩm thực xuyên Việt Du ngoạn. Khi tôi hỏi về rượu làng Vân, anh Tuấn đặt trước mặt tôi một tập ảnh nói: “Anh cứ xem đi thì khắc biết”.

Hồi Đoàn nghệ sĩ ẩm giả tự do này đến làng Vân tìm hiểu “Vân Hương Mỹ Tửu” là năm 2006. Ông chủ tịch xã lắc đầu trả lời: Bây giờ không còn thứ rượu ấy nữa. Cả làng Vân đã nấu rượu sắn từ lâu rồi. Chỉ còn bà cụ Tom vẫn cặm cụi nấu rượu gạo. Nó hơn cả “Vân Hương Mỹ Tửu đấy”. Bà cụ Tom có bảy người con, vừa trai, vừa gái, anh con trai trưởng tên là Tom, họ hàng, làng xóm gọi cụ bằng tên con trưởng. Tất cả con cái cụ Tom đều theo nghề cụ, trừ Nguyễn Trung Tuấn, đi bộ đội từ những năm đầu của cuộc chống Mỹ, cứu nước, năm 1992 chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh làm giám đốc công ty thuộc Bộ Quốc Phòng. Hơn mười năm sau anh về hưu với quân hàm đại tá, ở lại làm công dân thành phố. Mỗi lần tôi và anh gặp nhau, bao giờ cũng nhắc đến cụ Tom, người mẹ thân yêu của anh.

Cụ Tom vốn sinh ra là con gái làng Vân, mười bảy tuổi làm dâu họ Nguyễn Trung. Hơn mười tuổi đã biết theo mẹ hái dâu, nuôi tằm, khi về nhà chồng, những công việc nông tang canh cửi, bỗng bã, ủ men, nấu rượu cụ đã thạo, họ hàng nhà chồng ai cũng quí mến.

Khi cô giáo Hạnh, vợ anh Tuấn, vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Việt Bắc về dạy văn ở trường Hàn Thuyên, Bắc Ninh, thương con dâu, chồng ở xa, cụ từ làng Vân cách dăm bảy cây số, xuống chăm sóc đứa cháu nội đầu tiên của cụ nhật dạ, đem cho con dâu những nhu yếu phẩm cần thiết. Hồi đó, cụ ngoài sáu mươi, đã dựng vợ, ngả chồng xong cho các con, chúng đã ra ở riêng, đời sống tạm đủ; cụ dồn tình thương nhiều hơn cho vợ chồng anh Tuấn. Cụ người mảnh dẻ, dáng đi nhanh nhẹn, là người lao động nhưng không lam lũ, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to to trên gò má hơi cao thể hiện rõ sự lanh lợi, tinh tường. Cụ là con người quê mùa nhưng sắc sảo trong công việc làm ăn. Gặp cụ, tôi hỏi về rượu sắn cụ nói:

– Tôi chỉ biết nấu rượu gạo thôi, nấu từ thuở nhỏ thành quen rồi. Khi hỏi về cái ngon của rượu sắn, mãi cụ mới chậm rãi nói: “rượu nào cũng ngon, cũng say. Ai thích rượu nào say rượu ấy. Nhưng rượu gạo nếp cái hoa vàng thơm, uống nó êm dịu, ngủ ngon, ăn được nhiều cơm”. Chừng ấy câu trả lời đủ thấy cụ là người thận trọng ý nhị: không thể chê rượu sắn khi cả làng đang nấu, sống bằng rượu sắn.

Trong con mắt của cụ tiêu chuẩn rượu là phải tính đến bảo đảm sức khoẻ cho con người. Cụ Tom nấu rượu như một cái nghiệp, như sự đam mê, thuỷ chung. Có người nói với cụ nấu rượu sắn lãi hơn cụ thử nấu xem sao. Cụ lắc đầu: “Chuyển sang nấu rượu sắn phải kỳ công lắm”. Cụ biết lãi nhiều đấy, nhưng cụ sẽ chẳng có gì để nói với con cháu, để bảo chúng cách ủ men, ủ cơm rượu, xem tăm rượu và cụ sẽ hết niềm vui với những mẻ rượu ngon. Hỏi về độc tố của rượu sắn. Cụ kể rằng, cách đây vài năm, có một đoàn người Nhật tìm đến làng Vân hỏi mua rượu. Họ vào dăm ba nhà nấu rượu sắn, lấy máy móc đồ nghề ra thử nồng độ, độc tố, họ khen, nhưng không mua. Ở nhà cụ, họ thử chán chê mê mỏi, rồi xin mua hai trăm lít, cụ không có đủ, đi lấy lại của nhà khác, họ không chịu. Khi giúp họ đem rượu ra bến đò, cô phiên dịch nói với anh con trai cụ: “Rượu này rất ngon, không có độc tố, nồng độ cao. Họ sẽ trở lại”.

Khi tiếp đoàn Ẩm thực xuyên Việt Du ngoạn, cụ đã nói với họ cách nấu rượu, cụ nói liên hồi, dường như muốn truyền hết nghề cho họ và họ là người đến đây để học nghề chứ không phải chỉ thăm hỏi, xem xét cho thoả chí tò mò. Và cũng dường như cụ có sứ mệnh phải truyền cho họ những gì làm nên tiếng thơm của “Vân thương Mỹ Tửu” mà cụ đang sở hữu. Cụ nói với họ cả về những nỗi vất vả, truân truyên của nghề này.

Cụ kể rằng, trước đây có ông giáo đại học về xin học nghề nấu rượu, hỏi cụ hết bao nhiêu ngày, bao nhiêu tiền công, cụ nói: “Ông cứ ở đây, ăn ở với gia đình tôi, bao giờ thành nghề thì về, không có chuyện công xá gì hết”. Ngày đầu tiên, cụ gọi ông giáo ấy vào bếp, cùng con trai cụ khiêng một nồi ba mươi đầy cơm nếp rượu, đổ xuống nong. Người thầy giáo ấy phải ráng sức mới có thể cùng con trai cụ đổ ụp nồi cơm nếp xuống. Nhưng điều anh ngạc nhiên là gần ba chục cân cơm nếp hiện lên như một cỗ xôi lớn, không hề có cháy. Anh đem điều ấy ra hỏi, cụ nói: “Phải nấu cho khéo, để không có cháy. Có cháy thì lỗ. Mỗi chai rượu tôi chỉ dám xin của thiên hạ năm trăm đồng thôi”. Lời của cụ khiếm tốn, giản dị, thấm thía. Tiếp đó, nhìn thấy cụ Tom làm thoăn thoắt nhẹ nhàng những công việc ủ cơm, chuyển bỗng rượu vào vại, chum, cho lợn ăn, đêm thức khuya canh rượu, sớm sang đò mua gạo, cụ không dấu diếm điều gì hết, người thầy giáo đại học nói lời cáo biệt: “Việc vất vả, nặng nhọc và phức tạp quá, con không đủ sức theo nghề cụ”. Một dược sĩ cao cấp cũng xin cụ dạy cho cách làm men rượu để chị đưa vào sản xuất theo kiểu công nghiệp. Hiểu ý tốt của người dược sĩ, cụ bảo ban chị chu đáo cách gây men, trộn men, cách chọn các chất phụ gia, liều lượng các chất,có đến 35 vị thuốc Bắc được dùng để làm men, sau phần lý thuyết, cụ dạy chị cách thực hành, phải rửa cối thật sạch, phơi nắng cho hết mùi lạ, lau kỹ cối, giã đều nhịp, ủ trấu phải lựa thời tiết, trời lạnh ủ khác trời nóng, men phải treo trong bếp đủ ngày, đủ tháng mới được phép dùng… Chị dược sĩ thấy việc làm men rượu rất kỳ công chưa có đủ điều kiện công nghiệp hoá, bèn tìm cách xin phép cụ dịp khác sẽ học.

Trong chuyến tham quan ấy, đoàn Ẩm thực được cụ cho biết con trai thứ hai của cụ đang ở Sài Gòn, họ theo địa chỉ tìm đến gặp anh Tuấn và họ trở thành bạn. Anh Nguyễn Trọng Huấn, nguyên kiến trúc sư trưởng, phụ trách quy hoạch ở thành phố Hồ Chí Minh thập kỷ tám mươi thế kỷ trước kể, nguyên do anh biết rượu làng Vân là nhờ nhạc sĩ Văn Cao. Nhân một chuyến ra Hà Nội, anh đến thăm nhạc sĩ, ông chỉ chỗ cho anh đi mua rượu làng Vân, hôm đó ai cũng khen rượu ngon. Hình như những năm cuối đời, Văn Cao chỉ uống rượu làng Vân.

Nghe bạn bè mới của anh Tuấn kể, tôi nhớ hồi ở trường Hàn Thuyên, cụ xuống thăm cháu nội, bỗng nhiên, trời trở gió mùa đông bắc, cụ vội vàng đứng dậy cầm nón đi về. Cơm nấu mời cụ chị Hạnh đã bày ra, cụ không ăn, anh Tuấn giữ cụ lại bằng cách nói dối xe máy bị hỏng, không đèo cụ về được, cụ lẳng lặng ra đường cái lớn vẫy xe đạp thồ đi về làng. Hàng xóm không hiểu, cho cụ là người kỳ quặc, mãi về sau mọi người mới biết, cụ yêu con cháu, nhưng cụ cũng yêu những mẻ rượu đã hứa hẹn với khách hàng. Đối với cụ, thời tiết thay đổi, không xử lý kịp rượu dễ bị hỏng, đến cỗ yến cụ cũng không thiết.

Trong cuộc sống hàng ngày cụ là người xô bồ, chín bỏ làm mười, thì trong kinh doanh cụ lại là người kỹ tính. Khi thời tiết xấu, rượu ra lò bị kém, có người đến đặt tiền trước, nhờ cụ nấu gấp cho vài chum, cụ lắc đầu quầy quậy: “Tôi không làm ngay được, tôi không thể bán rượu khê, rượu chua cho bác”. Cuối vụ, giá gạo nếp lên quá cao, cụ phải tạm ngừng nấu, sợ người mua bảo cụ tự tiện tăng giá. Những người bán gạo rất phục con mắt nghề nghiệp và cái tâm của cụ. Khi loại nếp cái hoa vàng mà cụ đặt mua khan hiếm, họ đem đến cho cụ gạo gói bánh chưng loại một, cụ lấy tay vục sâu xuống thúng gạo, đảo lên đảo xuống dăm bảy bận lắc đầu: “Gạo này không có hương, gạo của tôi phải mẩy, trắng, đều hạt hơn và thơm, giá cao một chút cũng được”.

Cụ cho biết không chỉ thời ta cấm nấu rượu, mà thời Tây còn cấm mạnh hơn nhiều. Nhưng làm sao cấm nổi. Tây vừa đến bến đò, đồ nghề chúng tôi đã dìm hết xuống ao, chuôm, làm gì có tang chứng, chúng chỉ bắt được khi đem đi bán thôi. Thời ta thì dân nấu, cán bộ cũng nấu, khó bắt nhau lắm, cả làng sống bằng nghề nấu rượu mà. Có lần cán bộ huyện về chỉ huy bắt rượu, có gia đình không chạy kịp, ông xã trưởng dân quân nhanh trí ngồi ngay lên cái chĩnh rượu phủ bao tải, quát “lính” của ông ra chuồng lợn lục soát. Câu chuỵên dí dỏm của cụ Tom khiến cả đoàn cười vui vẻ, gật gù.

Tháng Chạp năm ngoái anh Tuấn về thăm quê, mẹ anh cho biết một công ty lớn ở Hà Nội nhờ cụ nấu hai trăm lít rượu hoa cúc. Pha chế xong, rượu dậy lên mùi thơm thoang thoảng của hoa cúc, rất đạt yêu cầu của công ty và họ đem đi hết, và cụ cũng không hề giấu lại chai nào, tính cụ thật thà như đếm, làm hai trăm chai là hai trăm chai. Anh Tuấn nghe láng máng rằng đó là rượu hoa cúc Đà Lạt đang thử nghiệm sẽ sản xuất đại trà thời gian tới và họ bán với giá ba trăm nghìn đồng một chai.

Gần cuối buổi gặp mặt, tôi hỏi anh Tuấn về tấm biển ở trước cửa nhà anh: “Ở đây bán rượu ngon nhất nước”. Anh trả lời rằng làm biển đó cho dễ tìm, cho vui thôi, chứ không phải vì mục tiêu kinh doanh. Bạn của anh Tuấn đã về Long An uống rượu Gò Đen, ra Bình Định uống rượu Bàu Đá, mỗi loại có hương vị riêng nhưng đều phải tôn rượu làng Vân là “Bắc Hà Đệ Nhất Danh Kỳ”. Ở Sài Gòn nhiều bạn bè làm giám đốc công ty ưa chuộng rượu làng Vân, mỗi dịp Tết họ cần đến cả nghìn lít để uống và chia sẻ với bạn bè. Anh Tuấn sẵn sàng cung cấp. Khi thanh toán tiền, mọi người ngạc nhiêu thấy anh nói lại lời của cụ Tom: “Mỗi lít tính bằng giá ở ngoài này, cộng với một nghìn đồng tiền can, một nghìn đồng công vận chuyển”.

Bà cụ Tom kinh doanh rượu là như thế. Ở làng Vân, những người nấu rượu sắn đã có nhà cao cửa rộng, tiện nghi không khác gì thành phố, nhưng cụ Tom vẫn giữ nếp nhà xưa, ngôi nhà năm gian lợp ngói âm dương, sân gạch, chuồng lợn, nhà ngang nấu rượu, vài cây cảnh, bồn hoa nho nhỏ, Tôi xem tập ảnh của đoàn ẩm thực xuyên Việt, thấy hình một nhà thơ ôm trân trọng bình rượu làng Vân, một nghệ sĩ kiến trúc quỳ, vái lạy cụ Tom trước sân nhà từ đường của cụ. Phải chăng những bức ảnh kia thể hiện sự tôn kính nhân phẩm, tư cách người mẹ một quân nhân, bạn bè của các anh, là sự chiêm ngưỡng bái phục đức độ, tài năng của một người say mê nghề nghiệp do tổ tiên để lại.

Trong buổi gặp hôm ấy, khi đàm đạo về rượu làng Vân, đã có người cho rằng cụ Tom chính là người giữ lửa hồn rượu làng Vân, giữ tiếng thơm của “Vân Hương Mỹ Tửu”. Bạn bè Sài Gòn của anh đang bàn nhau làm thế nào để cụ Tom được phong là nghệ nhân làng nghề nấu rượu truyền thống. Đấy là một ý tưởng hay. Kết thúc buổi gặp mặt, có người đọc hai câu thơ của Lý Bạch, thi Bá Trung Hoa thời nhà Đường: “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh”!

Đúng thế, vua chúa, vĩ nhân thường cô đơn. Thơ và rượu là loại giá trị lưu danh muôn thuở. Tôi tin rằng “Vân Hương Mỹ Tửu” sẽ còn toả hương thơm cho đến mãi mai sau, còn người uống rượu sẽ còn rượu làng Vân và cụ Tom, một bà cụ năm nay ngoài chín mươi tuổi, là người rất có công trong việc bảo tồn một loại “quốc tửu” nước ta, đã góp phần quí giá để “lưu kỳ danh” cho loại rượu thơm ngon nổi tiếng này.

Nguồn sưu tầm: Nguyễn Tiến Lộc  Báo Văn nghệ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *