Rượu cụ TOM

Mẹ tôi – cụ Tom – rượu làng Vân

Nhà văn Triệu Xuân và Nguyễn Trung Ca, con trai út Cụ Tom, sinh năm 1961, nấu rượu từ năm 13 tuổi, người đang kế nghiệp rượu Cụ Tom. Ảnh chụp tháng 8-2010.

Cũng thì con mẹ con cha

Chẳng sinh ở đất Thổ Hà Vạn Vân!

Hai câu thơ trên của nhà văn Triệu Xuân đi thực tế ở Lạng Sơn ngày 25/10/2012 thắp nhang  trước bàn thờ Cụ. Xin viết bài này, vô cùng thương nhớ Nghệ nhân Dân gian: Cụ Tom (Cụ Tom từ trần ngày 24 tháng Hai năm 2012 (âm lịch)).

Câu ví von xưa đã phần nào nói lên niềm mơ ước của người dân quanh vùng với hai làng nghề Thổ Hà, Vạn Vân trù phú nổi tiếng một thời. Làng Vân đã thu hút sự chú ý của đoàn du khảo ẩm thực hành trình từ mũi Cà Mau đến mục Nam Quan nhằm dựng bộ phim truyền hình nhiều tập “Món ăn ngon quê nhà” do Công ty tiếp thị và du lịch thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, tài trợ. Chặng đường dài hàng ngàn cây số với bao nhiêu điểm đến không nhầm vấp. Điểm cuối cùng theo lịch trình là Làng Vân để tìm hiểu về rượu. Nhưng hỏi ai cũng không biết, trong khi họ đang dừng chân ở Hà Nội chỉ cách làng Vân hơn 30 cây số. Trưởng đoàn kiêm lái xe đâu phải xoàng, đã một thời anh là lính thông tin bộ đội Trường Sơn: nhà thơ Nguyễn Duy.

https://www.youtube.com/watch?v=cYHolJVVa-0&list=PLEaYP7G7atqji4tDHbr8yRsrXn7SWLR3E&index=15

Hôm rồi anh Nguyễn Trọng Chức phóng viên Báo Tuổi trẻ, phụ trách nội dung tạp chí Thế giới ẩm thực, đã từng đi nhiều nơi và đã đến Làng Thổ Hà vẫn hỏi tôi về Làng Vân đi đường nào. Để trả lời câu hỏi này, tôi xin sơ qua vài nét địa lý, hành chính, con người và bản nghề của hai làng này.

 

Nhà văn Triệu Xuân thăm Cụ Tom, nghệ nhân Rượu làng Vân.

Dòng Sông Cầu chảy từ Thái Nguyên về đến núi Can Vang tạt phải theo đúng hướng Bắc-Nam thêm khoảng 4 km gặp núi Quả Cảm, quay ngược lại khoảng gần 4 km rồi lại tạt phải xuống Đáp Cầu đi Phả Lại ra biển, tạo dải đất hình lưỡi bò, đầu lưỡi rộng 300m, cuống lưỡi 1 km. Anh Hoàng Trọng Hanh báo Giáo dục thời đại gọi nơi này là “Sơn cùng thắng tận” thật không sai. Một phần hai của đầu lưỡi đất cao hơn, không hiểu dân bản xứ hay từ đâu đến với số dân đông, mật độ dày đủ thành lập xã Vân Hà, với hai làng nghề hoàn toàn khác nhau:

Thổ Hà gánh đá nung vôi

Làng Vân nấu rượu cho người ta mua

Một phần hai diện tích còn lại ngập nước như vùng chiêm trũng. Làng Vân nấu rượu hoàn toàn đúng, rượu ngon nổi tiếng khắp vùng. Nhưng làng Thổ Hà gánh đá nung vôi là lời cho vần của câu ví. Chứ nghề thật, nghề chính là làm gốm: chum, chĩnh, vại, chậu, tiểu,… không tráng men: đồ sành. Nhìn những bức tường sành các ngôi nhà cổ còn sót lại của hai làng xây bằng toàn mảnh sành đủ biết nghề này có thời đã rất phát triển. Tôi biết, cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh 1958-1960 ở Bắc Giang có 40 nhà tư bản, Thổ Hà chiếm trên 50% (24 nhà). Nay nghề này hết thời (chết), chết hẳn. Lý do đơn giản: nguyên liệu làm gốm không tráng men mà nước không thấm ra ngoài phải là đất sét vùng chiêm trũng, ngập nước quanh năm. Bây giờ thủy lợi hóa, lúa cấy hai vụ, không còn đất sét, mất nghề là chuyện tất nhiên!

Làng Vân nấu rượu từ bao giờ là câu hỏi chưa có lời giải chính xác. Chỉ biết vua Lê thế kỷ thứ 18 khen (xin trích nguyên văn đoạn vua khen trang 770 Địa chí Bắc Giang): “Làng Vân ở kế Sông Cầu, có nghề nấu rượu, khách mua bán dập dìu thành chợ. Tới năm Chính Hòa thứ 24 (1703) dân Yên Viên (Làng Vân) được sắc phong cho thành hoàng làng là thượng đẳng thần. Các Kỳ lão lên kinh rước sắc có đem ba bình rượu tiến vua, được Vua Lê và triều thần khen tặng cho 4 chữ: Vân Hương Kỳ Tửu. Từ đó rượu Vân càng nức tiếng trong cả nước”.

Xã Vân Hà thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang gồm 3 thôn, 2 làng. Thôn Yên Viên (làng Vân), thôn Thổ Hà (làng Thổ Hà), thôn Nguyệt Đức gồm những hộ sống dưới thuyền. Thôn Yên Viên khoảng 1300 hộ dân, Thổ Hà tương tự, thôn Nguyệt Đức trên dưới 100 hộ. Mặt trước hai làng hướng Tây, nhà xây sát mép sông (đoạn đầu nguồn). Sau làng cách vài trăm mét là đoạn sông cuối nguồn. Về mùa nước sông cao, ở mức báo động 3, đường làng Vân ngập 1-1,5m, nước chảy trước ra sau làng rất mạnh nên nhà nào cũng tường cao, cổng kín, sân có nhiều thềm, nhiều bậc cao thấp khác nhau để kê kích vật dùng và đi lại. Tuy hai làng liền nhau nhưng lối sống mỗi làng hơi khác. Người làng Vân mạnh mẽ (cơ bắp), hội chùa thường đánh vật, đánh cầu, cỗ do con trai đàn ông làm. Thổ Hà nhìn con người có phần hào hoa phong nhã hơn, hội chùa thường chơi chọi gà, hát tuồng (hát bội) hoặc quan họ -làng Thổ Hà là một trong 54 làng quan họ xứ Kinh Bắc-, làm cỗ do đàn bà con gái là chủ yếu. Điều lạ là hai làng, thanh niên nam nữ ít chơi thân với nhau, việc xây dựng gia đình cũng ít. Họ bảo trai gái hai làng lấy nhau thường không thành đạt về kinh tế cũng như hạnh phúc gia đình. Xưa cũng thế, nay cũng vậy.

Về giao thông, dân hai làng chủ yếu đi đò trước làng qua sông xuống thành phố Bắc Ninh cách 3-4 km rồi đi tiếp Hà Nội hoặc Bắc Giang, Lạng Sơn, mua sắm chơi bời rồi lại qua đò về. Người có ô tô đi đường này đến đầu làng Vạn gửi xe qua đò Thổ Hà; về Vân đến đầu làng Đại Lâm gửi xe qua đò Vân. Giữa hai bến đò, chỗ nhà thờ công giáo có bến phụ chở khách đêm khuya bằng đò nhỏ, đi không đầm, có nhà thơ đã viết con đò lảo đảo như say rượu là vậy. Cũng có thể đi ô tô về đến xã (Ủy ban xã ở làng Vân). Từ Bắc Ninh qua cầu Đáp Cầu đến Sen Hồ hỏi đường về Chùa Bổ, Can Vang xuống Vân Hà nhưng phải vào mùa không có nước lụt lớn. Chùa Bổ nằm sau núi Can Vang, chếch Đông là chùa lớn (Nam Hương tích Bắc Bồ Đà). Chùa trầm mặc ẩn mình sau ngọn núi nhỏ thuộc dãy núi Can Vang hình vòng cung. Các chùa thường xây dựng theo hướng Tây nhìn về đất Phật, chùa lớn thế này mà cửa chùa hướng Nam thì phải và nếu là hướng Tây thì trước mặt sừng sững một quả núi sao nhìn về đất tổ được? Tôi nghĩ thế, nên lâu nay vẫn có ý định đến thăm, xác minh lại, nhất là gần đây được tin chị Hiến, -bà chị họ từ nhỏ tôi ngưỡng mộ khi chị công tác ở đoàn văn công Tổng Cục Chính trị, chồng phóng viên báo Ngoại thương, có nhà ở Hà Nội- về lập trại gần chùa sống ẩn dật tuổi già. Cạnh Chùa Bổ còn có hai làng Lát Thượng và Lát Hạ đã được nhà văn Thế Lữ thì phải viết trong truyện ngắn Bữa cỗ. Trong truyện có hai nhân vật Lý Thập, Khóa Dán, tên, địa vị xã hội hoàn toàn giống hai người họ ngoại nhà tôi. Nếu đúng vậy, nhà văn Thế Lữ đã đến đây hoặc vãn cảnh chùa hoặc tìm hiểu rượu làng Vân.

Tôi còn nhớ thời còn ở nhà dịp gần Tết, dì Vừng, dì ruột tôi, mang cho tôi đôi xăngđan mới mua và nói “Sáng nay, dì đi chợ huyện bán rượu, qua chùa Bổ thấy gần chục chú tiểu đang quét sân, quét đường và tưới cây trong vườn. Có chú trông xinh, giống mày quá, dì ngắm mãi”.

Mẹ tôi – Cụ Tom làng Vân và những điều tôi biết

Mẹ tôi tên thật là Mãi –Nguyễn Thị Mãi, sinh năm 1917, tại thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Năm 18 tuổi, lấy bố tôi, cùng tuổi, cùng làng. Năm 20 tuổi, sinh con trai đầu lòng đặt tên là Tom. Theo phong tục làng, vợ chồng lấy nhau có con gọi theo tên con: Chú Tom, thím Tom… Khi có cháu, gọi Ông Tom, Bà Tom, có chắt gọi Cụ Tom. Bố mẹ tôi có 8 người con (6 trai, 2 gái). Bố tôi còn có dì hai sinh con trai tên Bằng. Dì tôi chết năm 1952, bị bom napan Pháp khi đi chợ bán rượu. Lúc ấy Bằng còn ẵm ngửa, mẹ tôi nuôi đến năm 18 tuổi thì Bằng đi bộ đội, lái xe Trường Sơn bị thương. Đất nước thống nhất, Bằng phục viên về nhà ở xóm 2. Mẹ tôi ở xóm 3 (làng Vân có 5 xóm, Thổ Hà có 4 xóm). Vì thế các phóng viên về tìm hiểu mẹ tôi nói có 9 người con là vậy. Bố tôi là người cao ráo, tính tình hiền lành, mất năm 1976 do mắc bệnh hiểm nghèo.

Chín anh em tôi đều lớn lên từ vòng tay mẹ ít nhất đến năm 18 tuổi, nên ai cũng biết làm rượu. Ngay cả tôi, người cho là bét nhất, bỏ nghề cả nửa thế kỷ, nay bảo làm tôi cũng làm được từ A đến Z, nhưng có tốt, có ngon không là cả một vấn đề. Ngoài yếu tố địa lợi, truyền thống, người nấu rượu phải cần cù, chịu khó, thông minh nhanh nhạy, đặc biệt phải tự tin, yêu nghề.

Anh cả tôi -bác Tom- hiện ở thị xã Phú Thọ, ít nhiều có tố chất này nên đi đất khách quê người làm nghề truyền thống gia đình với thương hiệu “Vương tửu”; đã 1, 2 lần được tặng cúp vàng hàng Việt Nam chất lượng cao ở hội chợ triển lãm Hà Nội. Coi như một trong những người đem chuông đi đánh xứ người thành đạt. Còn chú Ca (út) ở với mẹ tôi, nay 52 tuổi, có con, có cháu được cụ rèn rũa truyền nghề. Mấy năm gần đây do tuổi cao, cụ buông hẳn mọi việc cho con út, nhưng khách đến mua vẫn chấp nhận và ngày một đông hơn. Tôi mang thành phẩm vào thành phố Hồ Chí Minh, những tửu đồ uống từ thời Văn Cao, Nguyễn Tuân, Phùng Quán cũng cho là không kém rượu của cụ nấu trước đây. Có lần tôi điện hỏi cụ chuyện này, cụ bảo: vợ chồng Ca nó làm được. Khá!

Mẹ tôi biết làm rượu từ năm 15 tuổi và làm liên tục gần 75 năm, chỉ đến khi tuổi cao, sức yếu không làm được nữa mới chịu giao lại cho con. Gần 75 năm theo nghề, mẹ tôi đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, bao biến đổi về thời cuộc cũng như biến cố của gia đình. Có những lúc loạn lạc mẹ phải bỏ làng, có lúc phải làm vụng, làm trộm trong đêm tối với bao nỗi truân chuyên…

Biết làng Vân nổi tiếng về rượu từ xưa, hãng Pháp tìm đến lập lò (xí nghiệp) rượu ở đầu làng rộng chừng 4 ha với đầy đủ nhà sản xuất, nhà kho nguyên liệu, kho thành phẩm khang trang, quy củ và làm cả bến cảng sông rồi bắt dân làng Vân vào làm, trả lương tháng, trong đó có bố mẹ tôi. Ai làm ở nhà coi như làm rượu lậu, bắt phạt rất nặng hoặc bỏ tù. Nguyên liệu chủ yếu chở từ miền Nam ra gọi là rượu nếp Sài Gòn. Rượu sản xuất thuộc loại rượu mạnh 45o lọc trong vắt, đóng chai mang nhãn hiệu Vân Hương Mỹ Tửu bán khắp nước hoặc đóng thùng chở về mẫu quốc. Mẹ tôi bảo làm cho Pháp khắt khe lắm, chỉ lơ đễnh, sai một tý là phạt, trừ lương, đuổi việc. Lương tuy trả rẻ mạt nhưng về nhà không biết làm gì nên ai cũng phải cố gắng. Suốt gần mười năm làm cho hãng rượu, mẹ tôi chưa lần nào sai phạm mặc dù nhiều lúc rất ấm ức về tính cách hách dịch, coi khinh người làm.

Nhật đảo chính Pháp năm 1945, nhân dân trong làng vùng lên phá lò, phá sạch, cả nền xi măng cũng đục mang về lát chuồng lợn, lối đi, chỉ còn những cột xi măng to không làm gì được để lại. Từ đấy, các gia đình về nhà, từng hộ nấu rượu riêng. Cuối năm 1947, giặc Pháp tràn lên không biết tức do dân phá lò hay do sự kháng cự của du kích mà thẳng tay tàn bạo đốt đình làng Vân. Một ngôi đình cổ to là thế, nếu còn nhất định được xếp hạng thuộc di sản văn hóa cấp nhà nước, thế mà ngọn lửa hung tàn chỉ làm một đêm sạch bách. Cả làng chạy loạn tản cư trong đó có gia đình tôi. Nhà thuộc loại khá giả thế mà đi tản cư mẹ tôi gánh một bên con, một bên dụng cụ nấu rượu trong đó có chiếc lọ sành 10 lít, bố tôi mang được cái gì nữa không chẳng biết, còn lại bỏ hết. Lên huyện Tân Yên giáp Thái Nguyên làm nhà dựng lán nấu muối (nấu muối mỏ, muối hột thành muối hạt nhỏ). Vất vả là thế, đêm tôi vẫn thấy mùi rượu từ gầm giường bốc lên. Hỏi mẹ, mẹ dơ tay như định bịt mồm tôi và nói câu cộc lốc “cấm được nói với ai”. Té ra mẹ tôi vẫn làm rượu.

Cuối 1949 hồi cư (về tề), ăn Tết tẻ nhạt, chẳng có gì. Nghe ngóng làm ăn khó, đầu 1950 để bố và anh tôi ở lại, mẹ đem tôi và các em xuống làng Thanh Sơn ở nhờ, nấu rượu bán tại chợ Đáp Cầu. Khi dân làng về đông, đã có khách, mẹ tôi lại về làng làm rượu như mọi người. Hòa bình 1954, khoảng 1956, nạn đói ập đến, trên kêu gọi đi khai hoang. Bố và anh tôi đi khai hoang ở vùng vành đai trắng cách làng khoảng 10km. Mẹ tôi lại đưa tôi và các em sang làng Yên Phụ thuộc huyện Yên Phong ở nhờ một gia đình, nấu rượu bán ở chợ Núi kiếm tiền nuôi con. Được 6, 7 tháng, mẹ lên vùng khai hoang đoàn tụ gia đình. Cả ấp trăm người làng lên khai hoang, chẳng nhà nào làm rượu, tưởng mẹ tôi cũng bỏ. Nhưng chỉ tháng sau đã thấy mẹ tôi thức đêm làm. Tôi hỏi, mẹ tôi bảo: Cô Đình -cô ruột tôi ở chợ Nếnh, Sen Hồ- nhắn lên có mấy người khách quen cứ đến nhà hỏi thăm mẹ. Năm 1959-1960 kinh tế miền Bắc đã dần dần hồi phục, mẹ tôi lại về làng làm rượu tiếp.

Việc tha phương xứ người nấu rượu, nấu vụng, nấu trộm, phải là người yêu nghề, có ý chí, có gan, biết xoay sở, bản lĩnh cao cường thì mới dám làm! Mẹ tôi ngoài lòng yêu nghề còn có sự thôi thúc phải có hiệu quả ngay, giải quyết kinh tế gia đình để tồn tại, phát triển.

Thập niên 1960, người làng Vân vẫn âm thầm hành nghề, rượu làng Vân vẫn không ngừng đến với người tiêu thụ; nhưng nghề nuôi tằm bỗng nhiên bùng phát do nhà nước khuyến khích. Những năm ấy mẹ tôi nuôi tằm giỏi nhất làng, năng suất cao, bán tơ nhiều, chất lượng tốt cho nhà nước, được nhà nước thưởng 2 xe đạp Thống Nhất và mời về làm chuyên gia trại tằm của tỉnh. Mẹ tôi từ chối vì lý do bận việc gia đình. Năm ấy có chuyện thế này, tôi nhớ mãi: mẹ tôi bảo ra nhà chị gái ngoài Từ Sơn bảo chị vào cân tơ. Nhảy tàu 4 giờ sáng từ Bắc Ninh (Bắc Ninh-Từ Sơn 10 km); xuống tàu vào làng trời chưa sáng, còn vắng tanh chỉ nghe thấy mấy người í ới gọi: chị…đi tơ đi, Thanh mày đi tơ không, Bác… có đi tơ với em không. Nghe, nghĩ mà buồn cười, họ rủ nhau đi mua tơ gốc (tơ gốc là loại tơ kéo từ tổ kén giống sau khi ngài đã cắn ra khỏi tổ, tơ to như cọng rơm, dệt ra loại vải sồi dày, cứng như vải bạt áo ô tô, đem nấu – nhất là cho vào nồi cất rượu- sau 3 giờ vải dầy, mềm, nhẹ đem nhuộm may đồ nhất là váy mặc chảy thòng phía trước. Không biết có phải thế mà nhà thơ Hoàng Cầm trong bài thơ Lá Diêu Bông có câu “ Váy Đình Bảng buông chùng của võng”. Ngày xưa vùng Kinh Bắc đàn bà con gái mặc váy sồi đeo xà tích đi hội là sang và quý phái lắm- mẹ tôi kể thế.

Thập niên 70, sau ngày thống nhất đất nước, người dân nhiều nơi lại một lần nữa gặp nạn đói, phải ăn bo bo thay cơm; nhưng với người làng Vân thì hình như có con gió lạ từ miền Nam, nơi ít nhiều có nền kinh tế hàng hóa chủ nghĩa tư bản với cơ chế thị trường bay tới. Nhờ thế, những cuộc kiểm soát, bắt bớ giảm nhiều. Làng Vân tự coi mình như khu “tự trị” nấu rượu tự do (cái gọi là rượu lậu chỉ bị bắt ngoài địa phận xã). Có điều gạo ít nên nguyên liệu chủ yếu là ngô, khoai, sắn mà sắn là chính vì nhiều, được rượu, dễ làm, bã lợn chịu ăn nên lãi. Có lẽ đây là thời kỳ làm ăn phát đạt nhất của làng Vân kể từ sau đất nước thống nhất. Nhà nhà làm mới, nhà nhà lên tầng, nhà nhà mua xe gắn máy. Thế mà mẹ tôi vẫn chỉ làm rượu gạo nếp bán cho khách uống quen, chỉ lãi bã cho lợn ăn là may lắm rồi. Vì thế sau này nhà nước cho làm rượu từ nông sản phụ (ngô khoai, sắn) đối với làng Vân là chuyện đã rồi. Rượu đem đi bán ai biết là rượu khoai sắn hay rượu gạo, nếu không phải là người sành rượu nếp! Thực chất nhà nước tháo khoán nghề rượu không cần tuyên bố. Khi có chính sách mở cửa, bỏ cấm chợ ngăn sông, rượu sắn làng Vân đã đến điểm bão hòa. Các làng biết nấu rượu từ Nam chí Bắc đua nhau nắm than thổi lửa. Biết bao loại rượu được trình làng với chai lọ cầu kỳ, lời giới thiệu kêu như chuông, mẫu mã thì khỏi phải nói. Thế là những ký giả của thời đại lại lên đường đi tìm sự thật, trước hết là đến các làng làm rượu đã vang bóng một thời.

Bài báo Rượu Cụ Tom của tác giả Kim Trung ra đời trong hoàn cảnh ấy. Từ đó đến nay, tôi đã nhận và hiện đang giữ những bài nói về rượu viết trực tiếp về mẹ tôi hặc ít nhiều viết đến mẹ tôi:

Rượu Cụ Tom. Tác giả Kim Trung. Thời báo Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh 1998.
Về Vân nâng chén rượu xuân, tác giả Hoàng Trọng Hanh. Báo Giáo dục thời đại.
Hồn rượu làng Vân, tác giả Nguyễn Tiến Lộc. Báo Sông Thương.
Cay nồng men rượu làng Vân, tác giả Hoàng Anh Sướng. Phóng sự điều tra xã hội.
Hồn rượu, tác giá Nguyễn Tiến Lộc. Tạp chí Văn học.
Cụ Tom và chén rượu làng Vân, tác giả Nguyễn Trọng Huấn. Báo Thế giới ẩm thực.
Rượu làng Vân, tác giả Nguyễn Tiến Lộc. Báo Văn nghệ.
Về Vân tìm mỹ tửu, tác giả Tấn Linh. Báo Tiền Phong.
Giấc mơ quốc tửu, tác giả Đỗ Sơn. Báo Tiền phong.
Con đò lảo đảo như say rượu, tác giả Nguyễn Duy, Công ty tiếp thị du lịch Sài Gòn (đưa lên mạng).
Bộ phim Món ăn ngon quê nhà 22 tập (tập 15 nói về cụ Tom do hãng phim Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh quay và phát sóng giữa năm 2010).

Năm nay mẹ tôi còn 4 năm nữa là đầy bách niên nhưng mắt vẫn sáng, tai nghe vẫn rõ, đôi lúc nói lẫn, đi lại bình thường, không chống gậy, chỉ tiếc không biết chữ để đọc những bài báo trên và ôn lại, đối chiếu 75 năm tuổi nghề mà mình trải qua với bao nỗi thăng trầm cay đắng ngọt bùi… Đối với anh em chúng tôi, đây thực sự là “Hữu xạ tự nhiên hương”, danh tiếng mẹ để lại còn thơm mãi đến muôn đời con cháu, cho những ai biết giữ gìn khi cụ đã về với tổ phật. Con cháu vô cùng cám ơn mẹ!

Nếu mẹ tôi 75 năm theo nghề rượu với bao nỗi truân chuyên thì tôi theo con đường binh nghiệp 42 năm đã có lúc bên trời lận đận.

Năm 1961 tôi nhập ngũ. 1962 đi học đào tạo sỹ quan phòng không, 1965 tốt nghiệp loại giỏi nhưng chỉ được phong quân hàm chuẩn úy do không được kết nạp Đảng vì gia đình làm rượu lậu. Nhà trường đã cử người về thẩm tra, có xác nhận của địa phương. Tổ giáo viên xin giữ lại làm cán bộ giảng dạy nhưng nhà trường không đồng ý và giải thích: “Học viên ra trường muốn giữ lại phải vừa hồng, vừa chuyên mà hồng phải nghĩ đến đầu tiên. Đồng chí Tuấn học giỏi, rèn tốt nhưng gia đình có vấn đề về chấp hành chính sách, các đồng chí nên xem lại và tốt nhất chọn đồng chí khác. Thày Đinh Quỳnh Anh, tổ trưởng giáo viên nói “Nếu nhà trường không đồng ý, chúng tôi xin không giữ lại ai dù được thêm chỉ tiêu và đang thiếu giáo viên”. Cuối cùng nhà trường cũng chấp nhận. Ba tháng sau, phong lại quân hàm thiếu úy, nhưng phải đến 3 năm sau mới được kết nạp Đảng. Kính trọng tài đức người thày, người anh, người đồng chí, tôi đặt tên hai đứa con là Anh: Nguyễn Trung Anh và Nguyễn Thị Quỳnh Anh. Tôi ở lại trường, lên đến chức Trưởng bộ môn Rada Trường sỹ quan phòng không, nay là Học viện phòng không-không quân. Năm 1985 về Bộ Tổng tham mưu công tác 18 năm nữa. Năm 2003, tôi nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ở lại trường, không là Đảng viên đôi lúc tư tưởng cũng dằn vặt, nhất là những lúc các anh trên cả tuổi đời, tuổi nghề gặp gỡ động viên và tìm cách giải thích tôi phải đấu tranh với gia đình. Đã có lần về tranh thủ (chiến tranh không có phép) tôi nói với mẹ tôi rằng “Nếu mẹ không bỏ làm rượu con sẽ xin đi chiến trường, chưa biết bao giờ về thăm mẹ được. Không đắn đo, mẹ tôi nói ngay: Mày muốn đi đâu thì đi, nghề rượu tao không bỏ!”. Thế có nghĩa dù có mất một thằng con chứ không bỏ nghề rượu. Đam mê đến thế là cùng! Tôi nghĩ lòng đam mê của mẹ tôi chắc đến chết mới hết.

Cách đây 4 năm, mẹ tôi bị đột qụy do tắc mạch máu não, nằm liệt 3 tháng trời. Ở tuổi 92 mà hễ thức là vùng dậy không chịu nằm yên. Con cháu chăm sóc rất vất vả. Khi ngủ, lúc mê chỉ nói về rượu:

Việt! rượu chảy to quá, hãm bớt lò lại.
Việt! rượu sắp được, trông khéo tắt (tắt có nghĩa là hết bọt, giảm độ).
Việt là con trai chú Ca.

Suốt đời, nửa đêm gà gáy mẹ cặm cụi lăn lộn với nghề để mưu sinh, với lòng say mê đến mức sẵn sàng bỏ cả những việc mà người đời cho là quan trọng.

Tôi đóng quân ở Sơn Tây, vợ là giáo viên trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên Bắc Ninh, quê Phú Thọ. Thời những năm tám mươi trở về trước, đi lại khó khăn lắm, nhất là những người công tác ở môi trường như tôi. Mọi việc ở nhà đều do vợ lo liệu. Một nách hai con, những lúc con trái gió trở trời, quê ngoại xa, nhờ bên nội, mẹ tôi cũng chỉ xuống thăm động viên, giúp đỡ vật chất chứ chưa hề ngủ lại với cháu một đêm. Cả 15 năm trời đâu ít, lúc thì bảo mẹ còn ủ mấy nồi cơm sắp được phải về kẻo hỏng, lần thì bảo ở nhà rượu chè bừa bãi mẹ phải về kẻo chúng nó làm hỏng!

Anh Nguyễn Tiến Lộc, nguyên Trưởng phòng Kinh tế trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, vợ cũng dạy ở Trường Hàn Thuyên có gặp và tiếp chuyện mẹ tôi vài lần, rất quý mẹ tôi. Anh nghĩ mẹ là một người đàn bà giản dị chân quê nhưng thẳng thắn, dứt khoát và đặc biệt rất đỗi yêu nghề nên anh đã viết đến 4 bài về rượu Vân, ca tụng mẹ tôi, đăng trên các báo và tạp chí. Cách đây 4 tháng, từ trại viết văn Đà Lạt anh xuống thành phố Hồ Chí Minh chơi, gặp tôi anh bảo: Luận văn cuối khóa tôi lại viết về cụ. Từ đó đến nay tôi chưa gặp lại anh…

Năm 1998, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đăng bài Rượu cụ Tom. Tác giả Kim Trung có đoạn mở đầu “81 tuổi, cái tên nghe như tên Tây của bà cụ gốc Kinh Bắc đã được báo chí Nhật Bản nhắc đến như tên gọi của người duy nhất đang nắm giữ bí quyết nấu rượu ngon nhất Việt Nam”. Đọc xong bài báo, trong người tôi có cái gì đấy vừa vui, vừa tự hào pha lẫn ân hận về những ý nghĩ thầm trách mẹ cách đây mấy chục năm. Và nhấc máy gọi tòa soạn xin gặp tác giả để hỏi xem có thực báo Nhật đăng bài nói về mẹ tôi hay anh quá tay phóng bút. Tôi nhận được câu trả lời: Anh Kim Trung là phóng viên báo Tuổi Trẻ, không có số máy. Mãi tới năm 2008, anh Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh trong lần đến mua rượu, tự nhiên nói với tôi: mấy năm trước trong chuyến đi công tác, ngồi trên máy bay đọc tạp chí hay báo nào đó bằng tiếng Anh của tác giả Nhật Bản viết về rượu Việt Nam cụ Tom làng Vân, không ngờ hôm nay lại được mua chính loại rượu đó. Tuy phần nào giải tỏa bớt tâm lý nghi ngờ nhưng tôi vẫn muốn được có và đọc bài báo nói trên.

Cuối năm 2006, có người mang đến tập ảnh, ngoài phong bì có ghi “Anh em chúng tôi về làng Vân, rẽ vào thăm Cụ, chụp mấy tấm ảnh kỷ niệm. Xin tặng anh”. Ký tên Huấn-Nguyễn Trọng Huấn. Người tôi chưa từng gặp bao giờ. Giở ảnh ra xem, tôi thực sự xúc động với tấm anh Huấn phủ phục lạy mẹ tôi giữa sân từ đường nhà tôi. Tôi điện ngay anh Huấn cảm ơn và mời anh cùng đoàn tới gia đình tôi chơi. Anh Huấn nhận lời, thời gian cụ thể báo sau. Mãi đến 28 Tết năm ấy các anh mới đến. May tôi vừa mới được bạn bè cho mấy đồ nhắm lạ, nếu không chẳng biết mời mấy anh món gì bởi đoàn du khảo xuyên Việt tìm món ăn ngon quê nhà, với tôi ở xó hẻm này tìm đâu ra món khoái khẩu để tiếp.

Đúng hẹn các anh đến. Qua ảnh tôi đã nhận dạng đúng từng anh, gọi tên và chào hỏi. Nhưng phải qua tuần trà, trong tôi mới ghi sơ bộ mấy nét về con người, phong thái của mấy anh lớn tuổi. Anh Huấn kiến thức uyên thâm, lời nói cuốn hút người nghe. Tuổi cao nhưng tâm hồn trẻ nên nói chuyện trò thoải mái, mới gặp nhau buổi đầu mà đã như quen thân từ trước. Anh Duy trông người chân quê, ăn mặc xuề xòa, ít nói nhưng trong người chứa đựng cả kho báu ngôn từ, thỉnh thoảng nói một câu rất hóm hỉnh. Anh bảo hôm ấy anh còn chụp cả cái xe thồ rượu của nhà giống hệt xe dân công Điện Biên năm xưa… Thế nên khi mới ngồi bàn tiệc, không phân biệt chủ khách, anh Huấn đọc ngay câu thơ:

Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch

Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh

Và giải thích nôm na: đây là hai câu trong bài Tương tiến tửu của Lý Bạch. Thánh hiền rồi cũng mờ mịt, chỉ người uống rượu là còn lưu danh, đề nghị chúng ta nâng ly chúc mừng vợ chồng anh Tuấn, chúc sức khỏe cụ Tom. Tôi chỉ còn biết nâng ly theo và nói lời cảm ơn. Trong lúc đang vui với các câu chuyện trong chuyến đi xuyên Việt của đoàn, giữa buổi tiệc anh Huấn lại đứng lên nói: Cuộc gặp hôm nay thật là thú vị, hàng năm chúng ta nên duy trì, ai đồng ý ký vào bình rượu này. Mọi người đồng ý cho là sáng kiến hay và 9 chữ ký được thực hiện ngay sau đó. Tôi để ý từ đầu bữa tiệc đến sắp tàn cuộc, anh Duy chẳng nói câu nào, thậm chí nghe cũng hờ hững, chỉ nếm mỗi thứ một tý, giò ngựa bạch, sốt vang ngựa bạch, xôi nếp nương Điện Biên, ngay cả bưởi Đoan Hùng để cách một tay với anh cũng lấy lên hít hít, như xác nhận đúng vị lạ, quả như chủ nhà nói. Chơi được. Nhưng rồi, sắp tàn cuộc, anh cũng đứng lên đọc bài thơ mời vợ uống rượu mà anh đã xuất bản từ lâu:

Mỗi năm Tết có một lần
Mời em ly rượu tay nâng ngang mày
Vợ cười chưa uống đã say
Ngọt ngào thì nổi đắng cay thì chìm
Gót chân ăn vẹt bậc thềm
Quanh năm tất bật đi tìm ngày xuân
Tóc loay hoay bạc, bạc dần
Mỗi năm Tết có một lần thôi em.

Người về hưu sợ nhất sống cô đơn nên tôi duy trì hàng năm “đến hẹn lại lên”. Tuy không đủ những gương mặt buổi ban đầu nhưng lại có thêm bạn mới âu cũng là tiếng thơm từ rượu gạo nếp cái hoa vàng của mẹ tôi mà ra.
Ngoài những uộc gặp gỡ thú vị như trên, tôi còn nhận được lời khen, đón tiếp vị khách không mời mà đến và cả những… câu chửi:

– Anh Hoán ở Hà Nội điện cho tôi biết vừa rồi anh về Vân mua mấy bình rượu. Về mở một bình mời bạn bè uống khen ngon và bàn nhau đem thử một bình ra triển lãm, mặc dù triển lãm sắp hết hạn, đóng cửa, gửi đại vào quầy rượu quen không đăng ký với ban quản lý. Vài hôm sau nhận được giấy khen mang tên cụ và thế là 30 Tết, hai bố con đi xe máy lên gặp cụ gửi Giấy khen, coi như quà Tết biếu cụ.

– Một hôm đang đánh cờ ngoài vỉa hè, có một anh bán tắc kè, bìm bịp cứ gạ tôi mua, khi anh nói: từ sáng đến giờ chưa bán được hào nào, chú giúp con để có tiền ăn sáng. Nhìn khuôn mặt và giọng nói thiểu não tôi mua của anh 100 con về đổ rượu nhà ra khay inox rang, thấy lạ anh uống một ly, trả tiền xong xin ly nữa, đi 15 phút sau quay lại xin ly nữa. Tôi bảo: anh nói rượu của anh do cô anh nấu ngon, sao cứ xin của tôi? Uống xong ly rượu anh nói: con nói thật, con làm nghề này cả chục năm, bán khắp thành phố, chưa thấy đâu có rượu ngon như ở đây. Cám ơn chú!

– Trưa mùng Một Tết năm 2008, một ông già ăn mặc xềnh xoàng, đặc chất nông dân chạc ngoài 70 đến bấm chuông xingặp tôi để mua nửa lít rượu. Ông nói: 30 Tết đến nhà bạn cùng xóm uống ly rượu Tết thấy ngon, xin địa chỉ. Mùng Một Tết uống rượu do bà xã mua, không ngon nên mò xuốn đây phiền chú!

Nhà tôi có bán rượu nhưng không mở cửa hàng, ai biết thì đến mua còn yêu cầu tôi mang đi giao thì tuyệt nhiên không, dù có trả đắt mấy. Và cũng chỉ bán từ 5 lít trở lên đựng bằng bình nước khoáng. Hôm đó ông già đến mua nửa lít, do hết rượu chứ nếu còn, tôi cũng sẽ biếu ông chứ không bán ngoại lệ. May có ít rượu cúng, tôi mời vài ly cho đỡ xui xẻo ngày xuất hành đầu năm của ổng.

Và những câu chửi:

– Có một ông gọi điện hỏi: có cửa hàng nào bán rượu của ông ở Mỹ Tho không. Tôi trả lời không, ông chửi ngay: Đù má, rượu ngon thế này mà không xuống đây mở cửa hàng. Lần sau, ông già khác cũng người Tiền Giang gọi định mua vài bình bảo tôi mang xuống. Tôi bảo nếu ông muốn mua thì lên đây, chứ ngay ở thành phố Hồ Chí Minh tôi cũng không mang cho ai. Ông chửi liền: Đù má mày tưởng ông không có đủ tiền trả tiền công hả. Ông đủ tiền mua biếu cả họ lận. Biết ông đã xừng xừng, tôi xin lỗi tắt máy. Có lần tôi nói chuyện này với anh bạn già thân, anh bảo: đấy là lời khen thật thà của anh hai miền Tây Nam bộ đấy. Thật chả biết thế nào.

Trên đây là những điều mắt thấy tai nghe xẩy ra liên quan đến rượu của mẹ tôi. Cuối cùng, tôi xin kể vài dòng về tính cách con người cụ.

Mẹ tôi là người thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát và rất nóng tính nhưng sống rất có tâm, có đức. Cụ được dân làng, họ hàng kính trọng. Lần cụ ốm, tôi về chăm sóc, tối nào hàng xóm cũng đến đông kín cả nhà. Có anh Dân, nội tộc vỗ vai tôi nói họ Nguyễn Trung đánh giá bà cao đấy. Cả đời chẳng bao giờ đi xa vãn cảnh chùa, ngay cả chùa làng cũng rất ít đi lễ nhưng đóng góp đầy đủ, sốt sắng. Ở tuổi 96, một năm 13 cái giỗ đến giờ vẫn chưa giao cho con cháu, tự mình chỉ đạo, tổ chức vì cụ chỉ sợ giao cho con cháu làm không đến nơi đến chốn, bỏ giỗ là có tội. Đặc biệt mẹ tôi rất tiết kiệm, khắt khe với nghề. Con cháu làm sai, cụ mắng thậm tệ. Tôi nhớ hồi nhỏ ở nhà có lần tôi để hỏng mẻ rượu, cụ chỉ tay vào mặt tôi bảo “làm ăn buông quăng bỏ vãi thế này lớn lên sau này mày không ăn mày cũng làm sãi mõ, thằng kia ạ!”. Thế mà cách đây 2 năm về thăm cụ, trong câu chuyện đêm, mẹ tôi lại bảo “Bà đẻ ra mày bà có lãi”. Đúng là câu nói xuất thần cửa miệng ấy chỉ có ở cụ già cổ làng Vân: Mẹ tôi, cụ Tom.

Thành phố Hồ Chí Minh, Xuân Tân Mão, 2011.

Hồi ký của Nguyễn Trung Tuấn  – con trai cụ Tom đăng trên www.trieuxuan.info

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *