Rượu cụ TOM

Chuyện cụ Tom và chén rượu Làng Vân

Nguyễn Trọng Tạo: Chiều nay Sài Gòn mưa, tại nhà của kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trọng Huấn mình và anh đang nhâm nhi ly rượu làng Vân nhãn hiệu Cụ Tom thì Đại tá Nguyễn Trung Tuấn cùng nhà thơ Nguyễn Duy đi taxi tới mang theo mấy chai Cụ Tom và mấy cuốn sách “Cụ Tom danh nhân làng rượu”. Anh Tuấn là con trai thứ của Cụ Tom bảo: Rượu Cụ Tom không có ở Hà Nội mà chỉ có ở Sài Gòn và Bắc Giang. Đó là loại rượu được chưng cất theo công thức gia truyền, thơm ngon, không độc hại. Nếu ở Hà Nội muốn có thì phải nhắn lên Bắc Giang… Quả là rượu ngon đặc biệt, uống tê tê môi lưỡi, để lại dư vị ngọt dịu và thơm cay.

Mở sách thấy nhiều bài viết của các đệ tử Lưu Linh như Nguyễn Duy, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tín, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Trọng Huấn… Xin giới thiệu cùng bạn bài của khổ chủ  nơi chúng tôi cùng ngồi nâng ly.

Cái Làng Vân  ấy tưởng gần mà thật xa. Riêng tôi đi mất hai mươi năm và nhiều chục nghìn cây số.

Chuyện thế này 1954 tôi 19 tuổi từ chiến trường Điên Biên phủ về tiếp quản thủ đô cho đến lúc chia tay Hà nội về lại Huế sau Chiến thắng 1975 đã là một trung niên tuổi tròn bốn mươi.

Hơn hai mươi năm ấy rượu Làng Vân rượu Chương Xá vv… những danh tửu đất Bắc chỉ được nghe như cổ tích chứ đâu có được trông thấy mặt mũi bao giờ. Nói gì đến hạnh phúc được nhúng môi làm một hớp cho biết cái vị cái hương cuả thứ tiên tửu mà đồn rằng nếu có để thưởng thức đều đều sẽ trường sinh bất lão.

Hoàn cảnh nó vậy. Miền Bắc phải tập trung toàn lực cho chiến tranh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Gạo cho chiến trường   gạo cho dân ăn còn chưa đủ   lấy đâu ra gạo cất rượu cho các ” bợm ” say sưa. Ở nhà quê thảng hoặc có bợm nào thèm quá lén nấu ngoài bờ ao thì  cái chai hứng rượu cái ống dẫn hơi phải dìm xuống nước cho bớt ” toả hương “. Công an xã mà ngửi thấy thì bỏ mẹ. Vì vậy thứ rượu dìm dưới ao ấy được phong hàng  ” Quốc lủi” để phân biệt với thứ ” quốc tửu ” chỉ có trong mơ và ” quốc doanh ” bán ở cửa hàng mậu dịch nhạt như nước ốc.

Mãi năm 1986 một lần ra Hà nội bạn tôi Ông Thái Bá Vân một nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật mà cũng là một tửu đồ có tư cách   rủ tôi đến nhà Ông Văn Cao uống rượu.  Tác giả Tiến quân ca ở 108 phố Yết Kiêu. Gọi là nhà nhưng  thực chất là một căn gác gạch cuả một toà biệt thự cũ có toa lét riêng có cầu thang xây dẫn thẳng lên phòng. Với Hà nội thời ấy một chỗ ở như vậy đã có thể xếp vào hàng  trung lưu.

Nghe tôi ở Nam ra người Huế làm nghề kiến trúc  có quen biết Trịnh Công Sơn lại được Thái Bá Vân dẫn đến mặc nhiên đươc ” anh Văn ” coi là thượng khách có tiêu chuẩn ” được đãi rượu làng Vân “.

Một cái chai nút lá chuối khô giấu trong gầm tủ trịnh trọng lôi ra. Miếng vải màn cũ chùi mạng nhện. Ba cái chén thủy tinh thường thấy ở các quán “chè chén năm hào” được lau kỹ. ” Anh Văn ” cẩn trọng chậm rãi rút túm lá chuối khô được cuộn chặt làm nút rưng rưng rót rượu vào ly. Mỗi ly chừng một phần ba đều nhau rồi ngưng lại. Anh bảo cái thứ này uống đến đâu rót đến đấy. Rót đầy mải nói chuyện nó bay hơi nhạt rượu. Phí.

Quả nhiên ” Cái rượu làng Vân ” mà Ông Văn Cao cho tôi uống hôm ấy là một thứ rượu khác thường. Cái nút lá vừa rút ra một hương thơm ngọt ngào lan toả. Chất rượu trong veo sóng sánh tăm rượu lăn tăn ngập ngừng như không muốn tan.  Đặt miệng chén lên mũi hít vào nhè nhẹ thoảng thơm hương nếp hương cốm một thứ hương mễ cốc đồng quê. Kề ly lên môi nhấp một ngụm nhỏ ngậm lại tráng qua miệng niêm mạc tê đi mùi thơm ngạt ngào xông lên hốc mũi.  Nhắm mắt lại nuốt nhẹ ngụm đầu một cảm giác râm ran truyền lan trong cơ thể một làn hơi ấm nhẹ nhàng dẫn lên đầu lên mặt ra toàn thân. Đang buổi muà Đông tháng giá gió muà Đông – Bắc luà qua khe cửa mơn man  như ngọn gió hè. Rượu làng Vân ! Quả nhiên danh bất hư truyền !

Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi được uống rươu làng Vân.

Rượu  ngon bạn mới Văn  Cao rủ rỉ rù rì nhấp từng ngụm nhỏ thăm hỏi Trịnh Công Sơn bạn bè văn nghệ đang ở Sài gòn kể cho chúng tôi nghe thời  “tiền chiến ” Ông đã khởi viết ” Thiên Thai ” trong một cuộc du thuyền trên sông Hương ngược bến Tuần cùng mấy người bạn. Thuyền chèo tay sông lặng sóng êm mái chèo khua nước nước trong mà sánh như dầu.  Hỏi :” Đây là đâu ? ” – ” Dạ thưa bến đò Bãng  Lãng “. Tiếng ” Dạ thưa ” nhẹ như hơi thở ngọt như đường phèn. Ông bảo người Huế thật lãng mạn cái bến sông hoang vắng tận trên thượng nguồn lại có một cái tên rất liêu trai : “Bãng Lãng” nghe như ” Tầm Dương ” nghe như ” Trúc Ly”  trong thơ Tàu”.

Không biết cô chèo đò cho Văn Cao có cất tiếng hò khi chiều xuống trên sông Hương hay không. Chỉ biết ” Khúc Thiên Thai “ ấy bắt đầu bằng một giai điệu da diết :

” Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng

Nhớ Lưu –  Nguyễn ngày xưa lạc tới … đào nguyên …”

“Tưủ phùng tri kỷ thiên bôi thiểu “. Nhâm nhi dè sẻn nhưng chai rượu làng Vân rồi cũng cạn. Chia tay Ông ký tặng tôi bài Hải Phòng một bài thơ mà tôi thích.  Bài thơ đánh máy trên giấy pelure loại xấu :     ” Sinh ra tôi đã có Hải Phòng / Đầu ngõ mới trồng cây mận / Hoa sú rụng đầy bãi sú ven sông …” 

Năm tháng trôi đi. Lại một lần tôi ra Hà nội. Gặp chị Băng vợ anh Văn Cao ở chợ Âm Phủ. Chị bảo tôi : -” Anh Văn ốm nằm Việt – Xô. Anh Huấn vào thăm đi “. Tôi ghé chợ mua chục trứng gà vào bệnh viện. Nhìn chục trứng Ông cười :” Ông mua cái này làm gì. Để chủ nhật tôi trốn về mời bà Quách thị Hồ đến hát chầu văn Ông nghe. Nhà đang sẵn chai Vân “. Chai Vân ấy tôi không bao giờ được uống vì hôm chủ nhật Ông trở bệnh không trốn được. Sau này mỗi lần gặp ở Hà nội hay Sài gòn người ta đãi Ông toàn rượu tây.

Hai mươi năm sau 2006 tôi theo Nguyễn Duy cùng mấy anh em bên báo chí truyền hình làm một cuộc lãng du “Xuyên Việt ẩm thực hành” lang thang khắp nước đi nếm rượu và mồi.

Sáu anh em trên  một chiếc xe ngày đi đêm nghỉ. Chỗ nào non xanh nước biếc chỗ nào rượu ngon mồi thơm chúng tôi đều lặn lội ghé thăm. Rượu Bàu Đá ở đất võ Tây sơn; rượu Kim Long Quảng Trị nổi tiếng từ thời Pháp thuộc; rượu Lệ Thủy do nhà thơ Lâm thị Mỹ Dạ chiêu đãi nhắm với Hoàng Phủ Ngọc Tường; rượu làng Chuồn nhà hàng Ý Thảo   một nhà vườn thành nội Huế trong một bữa tiệc linh đình  với 13 món muối. Rượu Tạnh xá rượu ” Sư cụ vượt tường lửa ” uống ở Thanh Hoá. Lên miền núi uống rượu Mẫu sơn thứ rượu nấu trong sương mù cuả người Dao Lạng sơn. Sang Lào Cai trèo lên bản Dao chót vót trên mây thử rượu San Lùng bên lò rượu rừng rực lửa. Về miền Tây sông nước Cưủ Long thử rượu Gò Đen Long An rượu Phú Lễ Bến Tre sang Trà Vinh dậy từ 3 giờ sáng xem dân Xuân Thạnh nhóm lò nấu rượu đặng nếm chén đầu. Kể cả thứ rượu dán nhãn  ” Nước mắt quê hương ” xế đồi Vọng cảnh ở Huế cuả một ông chủ người Nhật nói tiếng Việt như người  mình.  Vậy mà đến  Hà nội hỏi đường về làng Vân các tửu hữu đều ú ớ !  ” Ờ ! Ờ ! đi đường Bắc Ninh đến sông Cầu … Bắc Ninh hay Bắc Giang nhỉ ?…!

Mãi rồi Nguyễn Đình Toán mới mở lời . Anh là một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng chụp khá nhiều chân dung đẹp đặc biệt chân dung văn nghệ sỹ khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Toán  khá kín tiếng. Ở chỗ đông chỉ thấy anh cười : “Bắc Ninh Bắc Giang gì cũng được cạn chai này mai tôi dẫn các ông đi “.

Chúng tôi theo lối Bắc Ninh qua thành phố đang hối hả lên đời đường đôi đèn cao áp giăng hàng. Rẽ trái rẽ phải rồi cũng đến đê sông Cầu. Bờ bên  kia là Bắc Giang là làng Vân quê hương cuả thứ tiên tửu mà chúng tôi đi tìm.

Sông Cầu là một dòng sông cổ góp nước từ suối khe vùng núi Bắc Cạn qua Thái Nguyên mà về.  Đoạn chảy qua địa phận Bắc Giang chính là phòng tuyến sông Như Nguyệt mà năm 1076 Lý Thường Kiệt đánh một trận diệt hơn 1000 quân Tống. Bên bờ sông ấy đêm đêm văng vẳng giọng ngâm một áng thơ thần :” Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”.  Giặc Tống nghe thơ vỡ mật chạy dài. Gần đấy là đền thờ Bà Chuá Kho. Bà Chuá này hình như phụ trách tín dụng. Tiền âm phủ cho dân vay thoải mái.  Xuôi nữa về Phả Lại chỗ sông Cầu gặp sông Lục Nam có đền  Kiếp Bạc những địa danh làm nên lịch sử.  Sông Cầu hôm chúng tôi qua hai bờ ken dày xà lan chở hàng. Rõ ra là một vùng kinh tế trù phú. Ngôi nhà thờ đá cuả họ đạo Nguyệt Đức sừng sững bên sông vọng những hồi chuông yên bình.

Vân xứng danh là một làng cổ giàu có vùng bán sơn địa điển hình xứ Bắc. Nhà ngói hai tầng san sát sân gạch tường xây. Đình làng mái tam quan đầu đao cong vút. Đường làng hẹp len giữa những  bờ tường hun hút thăm thẳm. Có những đoạn xây bằng tiểu sành. Thi thoảng thò ra một miệng cống một cửa chuồng heo. Khắp làng thoang thoảng mùi hèm.

Từ đầu làng hỏi cụ Tom ai cũng biết. Nhà giữa làng sân gạch nhà xây tường vây bốn phiá. Trời mùa Đông đang dịp cuối năm chúng tôi áo đơn áo kép cụ 92 tuổi phong phanh một chiếc áo len màu gụ chít khăn mỏ quạ miệng bỏm bẻm nhai trầu. Hỏi chuyện rượu cụ vui hẳn lên: “Làng tôi có nghề cất rượu. Nhà nào cũng cất. Người già kể nhà tôi cất rượu đã bốn năm đời. Tôi cất rượu từ khi về làm dâu nhà này. Ông chồng tôi uống rượu từ bé. Hai mươi năm trước Ông ngoài bảy mươi nghỉ uống rượu thế là “đi luôn” nhẹ như không chả bệnh tật gì.

– ” Thưa cụ từ đầu làng vào đây thấy nhiều nhà đang cân sắn ( củ mỳ ). Thế rượu nhà ta cất bằng sắn hay gạo ? “. – ” Chả sắn chả gạo gì sất. Nhà tôi chỉ cất bằng nếp. Nếp cái hoa vàng “.

” Hồi đánh nhau với Pháp nhà tôi đi kháng chiến sẵn nghề cất rượu nhà tôi được phân giao nấu muối mỏ cung cấp cho bộ đội. Đi đâu tôi cũng  mang nồi chõ đi theo đến đâu cũng cất rượu cho Ông nhà tôi uống. Không cất cứ buồn buồn thế nào. Cái thời tem phiếu Nhà nước cấm dân cất rượu. Làng tôi không cất rượu thì dân sống bằng gì ? Xin mãi rồi trên cũng cho nhưng cho cất bằng sắn. Nghe đâu cái Ông ký lệnh cho ấy là một Nhà thơ chức to lắm tận Trung ương. Rượu sắn chua mà rẻ chỉ vài nghìn đồng một lít. Rượu nhà tôi các ông có lấy phải hai ba chục nghìn đồng. Trước kia sông Cầu còn trong rượu cất bằng nước sông Cầu. Bây giờ thì  cất bằng nước mưa.  Cái bể nước mưa ngoài kia phải hứng từ hè. Nếp cái hoa vàng gặt hồi tháng chạp tháng giêng. Chỉ xay không giã. Xay ngày nào cất ngày ấy. Cũng chỉ cất vào tiết Xuân. Quanh năm nghỉ. Có năm Thái Bình trồng được thứ nếp  cái hoa vàng cất rựơu cực ngon. Tôi mua liền năm tấn dành để cất dần.  Men phải tự tay tôi làm “.

Những năm khó khăn có hai vợ chồng một ông đại tá quen với nhà tôi về đây xin học nghề cất rượu. Bà vợ nghe đâu cũng là dược sỹ xin học làm men. Tôi chả giấu gì. Bảo ban kỹ lưỡng nhưng rồi cũng không theo được. Cái nghề này trông thế mà vất. Nhất là ủ men. Chả máy móc nào đo được. Cứ phải dùng tay mà thăm. Nóng quá hỏng. Lạnh quá cũng hỏng. Đang đêm mùa Đông cũng phải dậy thăm. Men hỏng thì còn gì là rượu. Vả lại nghề nào chẳng vậy. Không yêu nghề lăn lộn với nghề thì chỉ có … đi buôn rượu “.

Chúng tôi xin được thử một ly. Cụ lấy chai rượu rót cho mỗi người một chén. Mùi rượu thơm lừng. Đúng là thứ rươụ mà hai mươi năm trước tôi được uống ở nhà Ông Văn Cao. Rựơu trong veo tăm rượu lăn tăn như hạt tấm. Thử  bật lửa ghé vào miệng chén một ngọn lửa xanh dài cứ thế cháy mãi. Khác với rượu Bàu Đá mà chúng tôi uống ở Tây sơn thượng đạo quê nhà vua Quang Trung khi rót ra tăm rươu to như hạt đỗ vồng lên miệng chén như bọt bia. Có lẽ từ một bí ẩn nào đấy chưa thể giải mã mà rượu Bàu Đá mang chất võ còn rượu làng Vân có tính văn. Chả thế mà các liền anh liền chị Kinh Bắc hát câu Quan họ nghe não cả lòng.

Rượu về bản chất là một sáng tạo quan trọng trong đời sống nhân loại một sản phẩm không thể thiếu trong giao tiếp cuả những xã hội văn minh. Ông thầy họ Khổng ở bên Tàu chẳng đã bảo  ” Phi tửu bất thành Lễ “. Nhiều nước trên thế giới coi rượu ngon nước họ như một niềm kiêu hãnh quốc gia. Vùng Thiệu Hưng bên Tàu  sinh con đầu lòng nấu một nồi rượu chôn xuống đất.  Mười sáu năm sau khi con gái đến tuổi cài trâm con trai làm lễ đội mũ đào lên đãi khách. Rượu uống mừng con trai gọi là ” Trạng nguyên hồng ”  uống mừng con gái gọi là  ” Nữ nhi hồng “. Trang trọng thay ! Ở phương Tây rượu  nấu xong đóng vào thùng gỗ sồi cất trong hầm kín. Phải từ 5 năm trở lên mới được coi là rượu ngon có đẳng cấp. Ở nhiều nước rượu đồ dùng uống rượu nghi thức uống rượu được quy định chặt chẽ trong những lễ nghi truyền từ đời nọ đến đời kia thành một định chế văn hoá.

Nước mình dân mình cất ra biết bao nhiêu rượu qúy. Những làng như làng Vân chắc phải cất rượu có khi còn trước cả cái thời Nam quốc sơn hà Nam đế cư … Những người như cụ Tom đây trải bao thăng trầm thế cuộc vẫn son sắt bảo tồn cho hậu thế một sản vật qúy không để bị thất truyền. Những làng như vậy những người như vậy  chính là những làng văn hoá những con người văn hoá góp công sáng tạo để văn hoá Việt trở nên thơm lừng sóng sánh say đắm lòng người.

Trong xu hướng vọng ngoại lan tràn những chai rượu ngoại giá bằng cả tấn thóc đang tuôn như suối trên nhiều bàn tiệc phải chăng chỉ có sự thất thu về kinh tế đánh mất  một thị trường ?   Những người có trách nhiệm nghĩ gì khi  đãi người nước ngoài chính thứ rượu cuả nước họ trong các bữa tiệc? Sâu xa hơn phải nhìn thấy ở đấy đang có biểu hiện vong thân sự đánh mất chính mình đánh mất lòng tự trọng cuả một dân tộc vẫn tự hào về một bề dày văn hoá Ông Cha để lại !

Từ biệt cụ Tom từ biệt làng Vân khi trời đã xế chiều.

Qua sông Cầu sẫm tối trên một chiếc thuyền con hương thơm chén rượu làng Vân uống ở nhà cụ Tom vẫn còn lưu một cảm giác bâng khuâng không hiểu sao trong đầu tôi cứ vang vang làn điệu trữ tình cuả một câu quan họ cũ :” Người ơi Người ở đừng về …”

Khi đặt bút viết bài này cụ Tom đã 94 tuổi tuổi cuả  bậc tiên thánh. Cụ đã đến với cõi đời đã góp sức giữ cho đời một phẩm vật  qúy :” Rượu Làng Vân “.  Cầu mong cho Cụ mãi thọ cùng con cháu.

Thành phố Hồ chí Minh Rằm tháng Bảy Mậu Tý

 NGUYỄN TRỌNG HUẤN

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *