Rượu cụ TOM

Cay nồng men rượu làng Vân

Bước đến cổng làng Vân (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang), du khách đều dừng chân trước đôi câu đối viết bằng chữ Nôm đại tự:

Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc

Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam

Rượu làng Vân (hay còn có cái tên dân dã: rượu cuốc lủi) có từ thưở bà Nghi Định mang nghề nấu rượu từ Trung Quốc về truyền cho người dân nơi đây. Đến nay, loại rượu được dân gian ưa chuộng nhất đã có hơn 400 năm tuổi. Khi vua Bảo Đại thưởng thức loại rượu này, ngài đã mê đến độ ban tặng rượu làng Vân bốn chữ “Vân hương mỹ tửu”.

Nức tiếng khắp Kinh bắc nhưng rượu làng Vân cũng nhiều phen điêu đứng. Thời Pháp thuộc, việc nấu rượu bị cấm ngặt. Nấu rượu cứ phải lén lén lút lút. Sểnh một chút là đi tù. Mãi đến năm 1978, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm Pháp, chính phủ Pháp đã mời thủ tướng uống “Vân hương mỹ tửu”.

Nhờ đó, việc cấm làng Vân nấu rượu được dỡ bỏ. Ông Nguyễn Văn Vinh, nguyên chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Vân Hà, nhớ lại: “Ngày ấy, rượu đi tấp nập trong các đường thôn, rượu đua nhau tập kết ở ven bãi rồi đi khắp nơi. Làng Vân trở thành vựa rượu lớn nhất ở Việt Nam.”

Rượu Vân có nhiều loại. Nhưng để uống một lần để nhớ, để ngất ngây thì dân sành rượu chỉ chọn rượu cất từ nếp cái hoa vàng. Người làng Vân bảo: Đó là thứ nếp đặc biệt chỉ trồng ở vùng Kinh Bắc.

Vì rượu làng Vân ngon vậy, nhiều người cố công tìm kiếm bí quyết chưng cất men rượu nơi đây. Họ bảo: Rượu làng Vân ngon nhờ tài làm men Vân Hà. Mỗi quả men ôm đến 36 vị thuốc bắc nên mới thơm, ngon, nồng, đượm đến thế. Nghe vậy, cụ Tôm, người nấu rượu gạo nức tiếng làng Vân và đã có 74 năm trong nghề, chỉ cười: “Nếu phân tích được thế, các nhà máy rượu đã chẳng ngon làm ngon gấp năm, gấp mười chúng tôi ấy chứ.”

Lại có người suy đoán: “Rượu Vân ngon vì người làng nấu rượu bằng nước sông Cầu trong leo lẻo. Người làng đi lập nghiệp ở xứ người vẫn mang toàn bộ quy trình, kinh nghiệm nấu rượu mà chưng cất xong, rượu cứ nhạt thếch, đục lờ lờ, uống vào khé cổ.” Bà Tôm lắc lắc đầu: “Sông Cầu bây giờ đục ngầu, đen kịt. Có hoạ điên mới đem nấu rượu”. Nói đến đây, bà Tôm im lặng.

Hàng ngày, bà Tôm vẫn thường cặm cụi bên lò rượu cổ để chưng cất thứ rượu nếp trong vắt, thơm nồng. Cụ bảo: “Tôi muốn giữ cái hồn rượu làng Vân để sau này ai nhớ đến Vân hương mỹ tửu mà tìm không thất vọng”. Nghề làm rượu khá kỳ công. Một mẻ rượu ủ bao lâu, tuỳ trời nóng lạnh, mưa bão, có thể du di đôi chút nhưng tuyệt đối không để rượu quá nhạt hay quá “sốc”.

Bà Tôm tự hào: Chỉ có vậy, rượu làng Vân khi lắc mạnh, xoay tròn mới có tăm rượu xoáy thành hình chóp nhọn từ đáy đến cổ chai như hình tam giác ngược… Chỉ có vậy, rượu làng Vân khi uống thấy nặng trình trịch mà xuống cổ họng lại êm như ru.

Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội
(22/10/2003)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *