Rượu cụ TOM

Con đò lảo đảo như say rượu!

Đoàn xuyên Việt đang tạm nghỉ trước khi lên đường đến mũi Cà Mau. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín và nhà báo Đòan Đạt nói: “Sau gần một tháng viết nhật ký (tính từ 13.2.2006), thấy vẫn còn nhiều chuyện muốn chia sẻ quá. Thôi thì trước lúc lên đường đến mũi Cà Mau, lai rai mỗi ngày mỗi chuyện”. Lai rai thay nhật ký bắt đầu từ chuyện… lai rai.

Vừa về đến báo SGTT (số 25 Ngô Thời Nhiệm, Q.3), nhà thơ Nguyễn Duy tay ôm bình rượu làng Vân, miệng nói: Cái này chính gốc đây. Nhờ đối chứng cái này, mình mới biết có lúc đã dính rượu làng Vân “đểu”. Cũng như việc phải lặn lội vào tận làng Bàu Đá (Bình Định) để đi tìm rượu “gốc” Bàu Đá, đoàn du khảo xuyên Việt lặn lội vào làng Vân (Bắc Giang) để truy tìm bằng được loại rượu “gốc” của làng Vân. Xin giới thiệu với bạn đọc chùm ảnh của nhà thơ Nguyễn Duy chụp ở làng Vân.

Làng Vân thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Muốn đi tới làng Vân, có thể đi từ phía tỉnh lỵ Bắc Giang xuống. Chúng tôi chọn cách đi khác, đi từ phía tỉnh lỵ Bắc Ninh lên, phải qua sông Cầu bằng một con đò nhỏ, một con đò chừng như còn sót lại trong câu chuyện “ngày xửa ngày xưa…”

Đường vào làng Vân cũng giống như những nẻo đường trong chuyện cổ. Có những bức tường được kết bằng gạch vỡ, ngói vỡ, tiểu sành vỡ… mà có sức hấp dẫn kỳ lạ của loại nghệ thuật điêu khắc “hậu hiện đại”

Cái gì đây? Một tác phẩm “hậu hiện đại” khác – mảng tường gạch đã bị nắng mưa xâm thực, mài mòn, chỉ còn lại lõi gạch màu thiên cổ. Trong cái lỗ đen của mảng tường, mùi rượu thơm lừng tuôn chảy. Thì ra đó là lỗ thông hơi của một lò rượu đang chưng cất.

Một lò rượu thủ công của làng Vân. Mỗi lò như thế này có thể cho ra 40 đến 50 lít rượu mỗi ngày (gấp 5 –7 lần sản lượng của một lò rượu làng Bàu Đá mà chúng tôi đã khảo sát). Làng Vân hiện chưng cất ba loại rượu: rượu sắn (củ mì), rượu gạo tẻ và rượu cao cấp là rượu nếp

 

Nổi tiếng nhất làng là lò rượu nhà cụ Tom, chuyên nấu rượu nếp. Chúng tôi phải hỏi thăm nhiều lần mới tìm được nhà cụ Tom ở sâu trong ngõ gạch này

Thật bất ngờ khi gặp cụ Tom. Không phải là một ông cụ như chúng tôi tưởng mà là một bà cụ. Cụ Tom năm nay 90 tuổi, sống bằng nghề nấu rượu từ năm 17 tuổi tới nay. Trước cụ, bao nhiêu đời làm nghề này thì không biết được. Sau cụ, có các con (7 trai, 2 gái), các cháu và chắt nấu rượu, chỉ chuyên rượu nếp ngon nhất của làng Vân

Cụ Tom hướng dẫn chúng tôi xem những nồi đồng nấu rượu cực lớn trong kho ủ rượu của nhà cụ

Đường vào làng Vân còn hẹp, nên việc vận chuyển nguyên vật liệu, than, củi và thành phẩm rượu các loại vẫn phải dùng xe đạp thồ. Hàng vạn lít rươu mỗi ngày toả đi các nơi đều ra khỏi làng Vân bằng loại xe thồ này.

Một thời gian khá dài, rượu làng Vân được vận chuyển bằng cách đóng vào những cái “thùng” cao su, được chế tác từ săm (ruột) xe ô tô. Nay có thêm can nhựa, thùng phuy nhựa cứng, nhưng loại “thùng” cao su mềm như thế này vẫn còn được dùng khá phổ biến.

Còn chúng tôi ra khỏi làng Vân cũng bằng con đò nhỏ như lúc đi vào. Vẫn chú bé chèo đò ấy đưa tiễn chúng tôi. Sẽ nhớ mãi con đò lảo đảo như say rượu và chú bé chèo đò bằng chân điệu đàng như múa…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *